Đức "không dung thứ" các hoạt động tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ

Đức rất quan ngại trước những diễn biến gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các hoạt động gây ảnh hưởng lên cộng đồng thiểu số người Thổ tại Đức, hoặc những công dân Đức gốc Thổ.
Đức "không dung thứ" các hoạt động tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 19/1, Cơ quan Tình báo nội địa Liên bang Đức (BfV) cho biết nước này sẽ "không dung thứ" các hoạt động tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ bên trong lãnh thổ Đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tuyên bố trên được ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc BfV, đưa ra sau khi Tổng Công tố Liên bang Đức quyết định mở cuộc điều tra về khả năng hoạt động tình báo của các giáo sỹ người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức.

Phát biểu trước báo giới, ông Maassen cho biết Berlin rất quan ngại trước những diễn biến gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các hoạt động gây ảnh hưởng lên cộng đồng thiểu số người Thổ tại Đức, hoặc những công dân Đức gốc Thổ.

Ông Maassen nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể chấp nhận các hoạt động tình báo diễn ra tại Đức chống lại các lợi ích của người Đức."

Cuộc điều tra đã bắt đầu tiến hành từ tuần này, theo yêu cầu hồi tháng 12 vừa qua của nhà lập pháp Volker Beck, thuộc đảng Xanh.

Theo ông Beck, có những báo cáo cho thấy Ankara đã yêu cầu các thầy tế Hồi giáo, được cử từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức làm việc cho Hiệp hội các nhà thờ Hồi giáo lớn nhất tại Đức (Ditib), cung cấp thông tin về những người theo Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - nhân vật hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Hồi tháng 12 vừa qua, cảnh sát Đức đã bắt giữ một người Thổ, 31 tuổi, với cáo buộc đã cung cấp thông tin về những người Kurd đang sống tại Đức cho Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi Quốc hội Liên bang Đức hồi tháng 6/2016 đã thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng.

Ngoài ra, Đức lên án chiến dịch bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành vừa qua.

Trong khi đó, Ankara lại cáo buộc Berlin cung cấp nơi ẩn náu cho các chiến binh người Kurd thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng (DHKP-C), những tổ chức bị Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách khủng bố, tuy nhiên Berlin đã phủ nhận những cáo buộc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.