Đức: Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên 1,5%

Chính phủ Đức vừa nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên 1,5% từ mức 1,4% đưa ra hồi tháng Một sau một loạt tín hiệu tích cực từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Đức: Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên 1,5% ảnh 1Cảng hàng hóa ở Hamburg, Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chính phủ Đức vừa nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên 1,5% từ mức 1,4% đưa ra hồi tháng Một sau một loạt tín hiệu tích cực từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Bộ trưởng Kinh tế Brigitte Zypries khẳng định kinh tế Đức đang tăng trưởng vững chắc bất chấp các nhân tố bất ổn từ bên ngoài. Theo bà, thị trường lao động "lành mạnh" và nhiều việc làm được kiến tạo đảm bảo cho nền kinh tế trong nước phát triển vững mạnh.

Dự báo lạc quan của Chính phủ Đức cũng phù hợp với các nhận định của năm viện kinh tế hàng đầu nước Đức. Năm viện kinh tế lớn của Đức cho rằng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp đã giúp hạn chế bớt những rủi ro từ bên ngoài đối với nền kinh tế nước này như việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và sự điều hành của chính quyền mới của Mỹ dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Donald Trump.

Chính phủ Đức cũng dự báo đầu tư của các doanh nghiệp vào trang thiết bị sẽ tăng dần dần trong năm 2017 và 2018, trong khi lĩnh vực xây dựng có được lực đẩy từ đầu tư công và nhu cầu nhà ở của các hộ gia đình nhờ lãi suất thấp. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình mở hầu bao, qua đó giúp chi tiêu tiêu dùng có thể tăng 1,4% trong năm 2017 và 2018.

Thặng dư thương mại được kỳ vọng sẽ thu hẹp do nhu cầu của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước tăng mạnh hơn nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà kinh tế dự báo thặng dư thương mại của Đức sẽ giảm xuống 7,3% GDP, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2016.

Tuy nhiên, Chính phủ Đức vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 1,6% cho năm 2018.  

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng trưởng 1,7% trong năm 2015 và 1,9% trong năm 2016. Tuy nhiên, số ngày làm việc trong năm nay ít hơn đã khiến nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.