Người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, ông Klaus Müller, ngày 6/4 cảnh báo việc ngừng mua khí đốt của Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, việc làm, chuỗi cung ứng và nhiều khu vực của Đức.
Trả lời phỏng vấn báo Handelsblatt, ông Muller đã thừa nhận khả năng Đức phải đưa ra những quyết định gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, việc làm, chuỗi cung ứng và toàn bộ các địa phương. Đây là lý do cơ quan này đang tiến hành thu thập dữ liệu giúp đưa ra các quyết định tối ưu nhất.
Ông Muller nhấn mạnh người dân cần giảm tiêu thụ khí đốt nhằm giảm nguy cơ phải kích hoạt mức độ ba trong kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp cắt điện.
[Hà Lan lên kế hoạch cắt giảm nhập khẩu than, dầu và khí đốt từ Nga]
Trước đó, vào ngày 5/4, Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận không có khả năng áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga. Ngày 4/4, Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ việc tuân thủ các hợp đồng khí đốt với Nga trong khi tiếp tục thanh toán bằng đồng USD và euro.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng khí đốt của Nga là không thể thiếu trong ngắn hạn, đồng thời cần phải “chấm dứt mọi quan hệ kinh tế với Nga” càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, trước đó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Liên bang Đức (BDI) Siegfried Russwurm đã cảnh báo về hậu quả của việc áp đặt lệnh cấm vận đối với các nguồn năng lượng từ Nga, trong khi Cố vấn Chính phủ Đức Lamia Messari-Becker cảnh báo nguy cơ nền kinh tế Đức đối mặt với khủng hoảng nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt./.