Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 31/10 của Trung tâm nghiên cứu Juelich (Đức), Đức có thể sẽ mất khoảng 1.850 tỷ euro (khoảng 2.060 tỷ USD) để thực hiện mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính C02 từ nay đến năm 2050.
Kết quả nghiên cứu của Juelich cho thấy nếu Chính phủ Đức đạt được mục tiêu khí hậu giảm lượng khí thải C02 ở mức 95% so với mức của năm 1990, thì chi phí hàng năm đến năm 2050 ước sẽ lên tới 2,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo tiến sỹ Martin Robinius thuộc Trung tâm nghiên cứu Juelich, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Đức sẽ "gắn liền với các khoản đầu tư đáng kể."
Ông cho biết chi phí cho quá trình chuyển đổi có thể dự đoán trước và quản lý được, tuy nhiên chi phí để thích ứng tiếp theo với biến đổi khí hậu là "khó dự toán và có thể cao hơn nhiều lần."
[Chính phủ Đức phê chuẩn lộ trình tăng giá khí thải CO2]
Ông cũng đặc biệt lưu ý các nhà máy phong điện và quang điện mới sẽ cần phải được xây dựng từ nay đến năm 2035 nhằm đạt được sự chuyển đổi "hiệu quả nhất về chi phí" sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, hiệu quả năng lượng cũng sẽ cần phải được "tăng cường" trong tất cả các lĩnh vực tiêu dùng, trong đó có giao thông, sản xuất hoặc nhà ở...
Ngoài ra, sau năm 2035, tất cả công nghệ được sử dụng trong giao thông, sản xuất và nhà ở, nếu vẫn dựa vào các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ cần phải được "điện hóa nhanh chóng và dứt khoát" hoặc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sinh học.
Chính phủ Đức đang đặt mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính C02 vào năm 2050 ở mức 80-95% so với mức ghi nhận hồi năm 1990 theo quy định trong kế hoạch hành động khí hậu mà Chính phủ Đức đưa ra từ năm 2016./.