Ngày 28/7, Đức thông báo sẽ triển khai một khinh hạm tới Địa Trung Hải, bên cạnh một máy bay trinh sát đã được triển khai tới đây.
Đây là hoạt động nằm trong sứ mệnh "Irini" của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thực thi lệnh giám sát cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, sứ mệnh trên đã được bắt đầu từ nhiều tháng trước và vào tuần tới, quân đội Đức sẽ triển khai thêm một khinh hạm tới giám sát lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya.
Hải quân Đức xác nhận khinh hạm “Hamburg” chở theo 250 binh sỹ sẽ được triển khai tới Địa Trung Hải để có thể bắt đầu sứ mệnh từ giữa tháng 8 tới.
[Đức, Pháp, Italy dọa trừng phạt các nước can thiệp vào tình hình Libya]
Mục đích của sứ mệnh là nhằm mang lại ổn định cho Libya cũng như hỗ trợ cho tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu ở quốc gia Bắc Phi này.
Bên cạnh việc giám sát hoạt động đưa lậu vũ khí vào Libya, việc buôn lậu dầu cũng sẽ bị ngăn chặn. Tham gia sứ mệnh giám sát lệnh cấm vận vũ khí có các tàu hải quân, máy bay và cả vệ tinh.
Hồi tháng 5, Đức đã đưa một máy bay trinh sát biển P-3C Orion tới Địa Trung Hải tham gia sứ mệnh.
Cuộc nội chiến ở Libya đã kéo dài từ khi chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị sụp đổ năm 2011. Hiện Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng.
Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli.
Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ./.