Báo Spiegel ngày 7/2 cho biết Hội đồng An ninh liên bang Đức đã phê duyệt việc chuyển giao vũ khí cho Niger và Ấn Độ - hai quốc gia không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU).
Hồi đầu tuần, Bộ Kinh tế liên bang Đức thông báo với một số nghị sỹ nước này rằng Hội đồng An ninh liên bang đang họp kín để thảo luận về việc chuyển giao vũ khí cho Niger, Ấn Độ và Cyprus.
Quốc gia Niger ở Tây Phi sẽ nhập khẩu 2 máy bay King Air 360 ER đã được chuyển đổi cho mục đích giám sát biên giới. Gói cung cấp cũng bao gồm công nghệ giám sát vô tuyến và video, như radar giám sát hàng hải và camera chụp ảnh nhiệt.
Tuy nhiên, Bộ Kinh tế không nêu số tiền cho thương vụ này. Gói cung cấp vũ khí này được thực hiện trong bối cảnh các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên xảy ra ở Niger.
Năm 2018, quân đội liên bang Đức đã bắt đầu sứ mệnh Gazelle huấn luyện cho binh sỹ Niger.
Sứ mệnh này kết thúc cuối năm ngoái và chuyển sang sứ mệnh mới do EU dẫn đầu, có tên EUMPM Niger.
Do Đức có kế hoạch rút quân khỏi Mali, láng giềng của Niger, vào đầu năm 2024, nên quan hệ đối tác của Berlin với Niger có thể trở nên quan trọng hơn. Niger cũng được coi là quốc gia chủ chốt trong nỗ lực kiểm soát dòng người di cư sang châu Âu.
[Bộ trưởng Quốc phòng Đức thăm Ukraine, thông báo chuyển giao vũ khí]
Chính phủ liên bang Đức cũng đã phê duyệt một gói vũ khí cho Ấn Độ, trong đó bao gồm nhiều thiết bị kỹ thuật, chẳng hạn như hệ thống bánh răng được sử dụng trong xe tăng Leopard 2 và các phương tiện chiến đấu khác.
Ngoài ra còn có 4 bánh răng để chế tạo mẫu xe chở vũ khí, 6 ống nhòm công nghệ cao, máy bơm, đường ống...
Chính phủ Đức cho biết giấy phép xuất khẩu được phê duyệt cho Ấn Độ trị giá khoảng 2,2 triệu euro (2,3 triệu USD). Thủ tướng Đức Olaf Scholz có kế hoạch tới thăm Ấn Độ vào cuối tháng 2 này.
Ngoài hai nước trên, Đức cũng phê duyệt xuất khẩu 12 máy bay trực thăng chiến đấu H145M cho Cyprus, một thành viên EU và NATO./.