Đức thúc đẩy hợp tác với các nước Bắc Âu trong lĩnh vực năng lượng

Na Uy hiện cung cấp hơn 30% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức; từ tháng Một đến tháng Tư vừa qua, Na Uy đã xuất khẩu gần 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang Đức, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Đức thúc đẩy hợp tác với các nước Bắc Âu trong lĩnh vực năng lượng ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tại Lubmin (Đức), ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến công du hai ngày (15-16/8) tới các nước Bắc Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận với các nhà lãnh đạo khu vực một số vấn đề quan trọng, trong đó hợp tác về nguồn cung năng lượng là một trong những chủ đề được quan tâm. Na Uy hiện là nước cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ hai cho châu Âu sau Nga.

Phát biểu tại Stockholm - chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du, nhà lãnh đạo Đức khẳng định sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU) khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn khí đốt cho châu Âu nói chung và Đức nói riêng, ông Scholz muốn quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng với khu vực Bắc Âu.

Theo kế hoạch, sau khi gặp người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson tại Stockholm để thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ đến thăm một nhà máy thuộc Scania, một tập đoàn chế tạo xe tải cùng với công ty mẹ của Volkswagen đang nghiên cứu các khái niệm về điện khí hóa thân thiện với môi trường trong vận chuyển hàng hóa.

["Lao đao" cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực châu Âu]

Trước đó, tại chặng dừng chân đầu tiên ở Oslo, ông Scholz đã có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng nước chủ nhà Jonas Gahr Störe để thảo luận các vấn đề năng lượng và tham dự cuộc họp không chính thức Hội đồng Bộ trưởng các nước Bắc Âu, trong đó Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Störe cũng đã mời cả Thủ tướng của Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland.

Với vai trò là nước sản xuất năng lượng quan trọng, Na Uy cũng muốn mở rộng nguồn cung khí đốt tự nhiên, qua đó giúp EU bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Na Uy hiện cung cấp hơn 30% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức. Từ tháng Một đến tháng Tư vừa qua, Na Uy đã xuất khẩu gần 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang Đức, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Hiện ba trong số bảy đường ống dẫn khí đốt của Na Uy là xuất khẩu sang Đức.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Bộ Năng lượng Na Uy đã điều chỉnh giấy phép sản xuất cho ba mỏ lớn ngoài khơi để có thể sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hơn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất và đường ống hiện đang được sử dụng tối đa và khó có thể vượt quá mức cho phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.