Đức Tuấn “bỏ vốn” lớn nhưng chưa bao giờ lỗ

Giữa năm, Đức Tuấn sẽ tổ chức một liveshow mới. Đa số các dự án âm nhạc của anh được “bỏ vốn” khá lớn, nhưng chưa bao giờ bị lỗ.
Với thể loại nhạc kịch, nhiều người cho rằng Đức Tuấn "chơi ngông” khi chọn độc hành trên con đường nhiều gai góc ấy. Nhưng, bằng kế hoạch bài bản cùng cái đầu nhạy bén với thị trường âm nhạc và cái tâm với nghề, Tuấn đã đến gần công chúng hơn.

Chỉ với dự án "Music of the night" trong năm 2009, Đức Tuấn đã được ghi nhận để giành cú đúp giải thưởng Ca sĩ của năm và Album của năm tại Giải âm nhạc Cống hiến do báo Thể thao & Văn hóa và công ty Le Bros tổ chức.

Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với chàng ca sĩ vẫn được gọi là “Don Quixote” này.

Giải Cống hiến là thành công bất ngờ

- Một câu hỏi rất cũ nhưng không thể không có sau mỗi cuộc trao giải, cảm xúc của Đức Tuấn lúc này thế nào?

Đức Tuấn:
Lâng lâng khó tả. Tuấn đã rất hạnh phúc vì với một dự án mà ban đầu bị nói là khó “nuốt trôi” nhưng cuối cùng đã thuyết phục được mọi người, và cũng hạnh phúc vì những cố gắng của Tuấn đã được ghi nhận.

- Đức Tuấn chia sẻ niềm vui này với ai đầu tiên?

Đức Tuấn:
Nhận được giải xong Tuấn đã gọi điện chia sẻ với những người thân của mình.

- Có ai “đặc biệt” trong số đó không?


Đức Tuấn: Những người “đặc biệt” Tuấn cũng gọi là “người thân” luôn (cười).

- Mạo hiểm chọn thứ âm nhạc kén người nghe và rồi được ghi nhận bằng giải Cống hiến, Đức Tuấn có nghĩ như thế là đã thành công với con đường mình chọn?

Đức Tuấn:
Chắc chắn đó là thành công, nhưng là sự thành công khá bất ngờ và hạnh phúc. Tuy nhiên, đây là những thành công bước đầu vì đây mới chỉ là những sản phẩm đầu tiên mà Tuấn giới thiệu thôi. Tuấn sẽ cố giới thiệu thêm về thể loại nhạc này đến khán giả nhiều hơn nữa.

- Nếu trước đây không tình cờ gặp và được Đỗ Phú Hải “chắp cánh” cho ước mơ nhạc kịch của mình thì con đường Tuấn sẽ đi có như bây giờ?


Đức Tuấn: Nó sẽ gần giống như thế. Thực sự, khi có một người quản lý tốt và êkíp làm việc tốt hỗ trợ thì Tuấn có thể tự tin giới thiệu những gì “chất” một cách nhanh chóng với quyết tâm cao độ hơn. Âm nhạc của Tuấn thể hiện cá tính của Tuấn rất rõ. Nếu không gặp anh Hải thì có lẽ con đường Tuấn đi sẽ không nhanh được như thế.

Kỹ thuật hát chỉ để phục vụ cảm xúc

- Có lần phát biểu trên báo, nhạc sĩ Nguyễn Bách (người đang giảng dạy về chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) từng nói, Đức Tuấn vẫn chưa đạt được kỹ thuật của nhạc kịch, bởi theo ông nhạc kịch hay hay dở không phải ở chất giọng, mà là ở kỹ thuật. Tuấn nghĩ sao về đánh giá này?

Đức Tuấn:
Tuấn không muốn bàn cãi về vấn về đấy vì nói thẳng ra, thầy Bách chưa thực sự hiểu về nhạc kịch hiện đại. Những người nào hiểu về nhạc kịch đương đại thì đều hiểu rằng nhạc kịch không phải là opera, lại càng không phải opera cổ điển. Nhạc kịch đương đại là những ca khúc nói lên những câu chuyện về cuộc sống hiện đại, tâm tư tình cảm… rất gần gũi với công chúng, thiên nhiều về cảm xúc.

Có thể thầy Bách chưa xem một vở nhạc kịch đương đại nào mà lấy tiêu chuẩn của opera cổ điển ra để đánh giá. Vì thực sự, ngay bản thân những ca sĩ người nước ngoài khi diễn nhạc kịch đương đại cũng không sử dụng kỹ thuật opera của Italy để hát. Chắc do thầy bị lầm tưởng như thế.

Theo Tuấn, tốt nhất là đã chưa xem thì đừng tuyên bố.

- Vậy thì điều gì quan trọng nhất đối với một người hát nhạc kịch?

Đức Tuấn: Đối với âm nhạc, Tuấn nghĩ quan trọng nhất là cảm xúc. Tất nhiên, mình phải luyện tập kỹ thuật tới một ngưỡng như thế nào đó để khi hát có thể bày tỏ cảm xúc một cách thoải mái nhất, tự nhiên nhất và chân thật nhất.

- Lúc ấy, kỹ thuật đã trở thành cái phản xạ bản năng của mình rồi…

Đức Tuấn: Đúng rồi, chứ nó không còn là cái mà người ta hát để thể hiện kỹ thuật nữa. Trong bất cứ một giai đoạn nào cũng vậy, kỹ thuật hát chỉ là cái phục vụ cho cách mình biểu đạt cảm xúc thôi. Trong âm nhạc hay bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, cảm xúc vẫn là quan trọng nhất, là cái để người nghệ sĩ thể hiện mình và là con đường để tìm đến với người thưởng thức.

Chưa bao giờ “lỗ vốn”

- Khái niệm nhạc kịch còn khá mới mẻ với đại đa số công chúng người Việt, là người tiên phong trong thể loại này, Đức Tuấn sẽ làm gì để tiếp cận gần hơn với công chúng?


Đức Tuấn:
Tuấn không có tham vọng đến được hết với công chúng, không tham vọng có được những khán giả không thuộc khu vực âm nhạc của mình vì mỗi đối tượng khán giả sẽ có cách thưởng thức âm nhạc khác nhau.

Thực ra ở Việt Nam nhu cầu thưởng thức thể loại nhạc như này có rất nhiều nhưng lại không có nguồn cung. Tuấn biết, những khán giả thưởng thức thể loại âm nhạc mà Tuấn đang theo đuổi rất khó tính, đòi hỏi rất cao nên Tuấn phải cẩn trọng trong từng bước đi, phải có một sự đầu tư đúng mức để thể hiện sự tôn trọng của mình với khán giả thì mới mong khán giả tôn trọng lại mình.

- Nhìn vào những dự án Đức Tuấn đã làm có thể thấy Tuấn đã “bỏ vốn” rất lớn để đầu tư, vậy những cái thu được sau đó thế nào?


Đức Tuấn: Tuấn có bao giờ làm chuyện gì khiến mình lỗ vốn đâu (cười).

- Dự án âm nhạc sắp tới của Đức Tuấn?

Đức Tuấn:
Giữa năm và cuối năm nay Tuấn sẽ cho ra hai album hơi thiên về giải trí. Chất nhạc lần này sẽ nhẹ nhàng, lãng mạn hơn một chút để cân bằng lại sau một năm đã “nặng ký” rồi. Cân bằng cho Tuấn cũng như cho khán giả.

Và, Tuấn cũng đang xây dựng một liveshow tại Việt Nam vào giữa năm nay. Nhạc sẽ tổng hợp hơn chứ không chuyên hẳn về Broadway như dự án "Music of the night." Vẫn sẽ là cổ điển giao thoa nhưng lần này Tuấn sẽ giới thiệu chủ yếu là nhạc Việt Nam trong chương trình, bên cạnh một số bài tiếng Anh.

Liveshow lần nãy tiếp tục do nhạc trưởng Paul Bateman dàn dựng.

- Một câu để Đức Tuấn tự vẽ chân dung mình là gì?

Đức Tuấn:
Đam mê, liều lĩnh và vô tư trong tình yêu âm nhạc.

- Cảm ơn Đức Tuấn./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục