Đức và Ấn Độ bàn biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế

Thủ tướng Ấn Độ và Bộ trưởng tài chính Đức đã trao đổi về những lĩnh vực hợp tác chủ chốt như năng lượng sạch, phát triển hạ tầng, nhà ở, làm sạch sông Hằng và sáng kiến “Make in India.”
Đức và Ấn Độ bàn biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) cùng Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schauble . (Nguồn: Newswala.com)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ hai ngày 19 và 20/1, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble chiều 19/1 đã tới chào Thủ tướng Narendra Modi.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Schauble đã trao đổi về những lĩnh vực hợp tác chủ chốt như năng lượng sạch, phát triển hạ tầng, nhà ở, làm sạch sông Hằng và sáng kiến “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ).

Thủ tướng Modi cho biết ông sẽ tới thăm Đức vào tháng Tư, cùng Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel khai mạc hội chợ thương mại về công nghiệp thế giới tại thành phố Hannover và tiến hành cuộc gặp cấp cao.

Thủ tướng Modi bày tỏ lo ngại về vụ tấn công khủng bố mới đây tại Paris (Pháp) và những diễn biến liên quan tại châu Âu, đồng thời đánh giá cao sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel trong những thời điểm khó khăn như vậy.

Theo lịch trình, ông Schauble sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Arun Jaitley và có các cuộc tiếp xúc với đại diện các ngành công nghiệp Ấn Độ, thảo luận cách thức tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Đại sứ Đức tại Ấn Độ Michael Steiner đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Schauble là “sự khởi đầu quan trọng” cho một loạt cuộc gặp cấp cao giữa Ấn Độ và Đức trong một năm đầy hứa hẹn đối với quan hệ song phương.

Chuyến thăm của ông Schauble sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Ấn Độ-Đức mạnh hơn nữa trước khi diễn ra hội chợ thương mại công nghiệp quan trọng nhất thế giới tại Hannover, mà Ấn Độ là nước đối tác chính thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.