Đức xét xử nghi phạm người Syria tấn công bằng dao tại Dresden

Abdullah A. bị truy tố tội giết người, giết người có chủ ý và gây tổn thương nghiêm trọng vì tấn công 2 người đàn ông đến từ North Rhine-Westphalia bằng một con dao dài 21cm vào ngày 4/10/2020.
Cảnh sát gác tại khu vực Dresden, miền đông nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát gác tại khu vực Dresden, miền đông nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, tòa án thành phố Dresden, miền Đông nước Đức, đã tiến hành xét xử 1 nghi phạm người Syria trong vụ tấn công bằng dao khiến một du khách Đức thiệt mạng tại địa phương này hồi năm ngoái.

Abdullah A., 21 tuổi, đã bị cáo buộc tấn công 2 người đàn ông đến từ North Rhine-Westphalia bằng một con dao dài 21cm vào ngày 4/10/2020.

Một nạn nhân, 55 tuổi, đã không qua khỏi tại bệnh viện do vết thương quá nặng. Người còn lại, 53 tuổi, may mắn đã vượt qua.

Abdullah A. bị truy tố tội giết người, giết người có chủ ý và gây tổn thương nghiêm trọng vì hành vi bạo lực trên.

Trước phiên tòa, dự kiến kéo dài đến cuối tháng Năm, các công tố viên cho biết Abdullah A. đã bị kích động do sự kỳ thị người đồng tính và "cách nhìn nhận đối với phần tử Hồi giáo cực đoan."

Trong khi đó, luật sư của Abdullah A. cho biết thân chủ của mình sẽ không đưa ra lời khai nào trước tòa.

Abdullah A. bị bắt vào ngày 20/10/2020, chỉ hơn 2 tuần sau khi y thực hiện vụ tấn công trên bên ngoài Cung văn hóa Dresden.

[Đức bắt giữ nghi phạm vụ tấn công mang động cơ Hồi giáo cực đoan]

Đến Đức khi còn là trẻ vị thành niên trong cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, Abdullah A. được cấp quy chế cư trú tạm thời dành cho những người bị từ chối đơn xin tị nạn song không thể bị trục xuất.

Tên này từng có tiền án tiền sự và đã nhận bản án 2 năm 9 tháng tù dành cho người vị thành niên vì kêu gọi hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố nước ngoài. Y vẫn bị giám sát sau khi được trả tự do không lâu trước khi xảy ra vụ tấn công ở Dresden.

Vụ tấn công trên một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận Đức trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sau sự gia tăng các vụ tấn công của các phần tử cực đoan.

Vụ việc khi đó xảy ra chỉ vài ngày sau vụ sát hại thầy giáo dạy lịch sử người Pháp Samuel Paty tại thủ đô Paris sau khi cho các học sinh xem những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo.

Việc một đối tượng trẻ 18 tuổi sát hại thầy giáo Paty một cách dã man ở vùng ngoại ô Conflans Saint-Honorine, đã gây chấn động nước Pháp và làm nhiều người liên tưởng đến làn sóng khủng bố của những đối tượng Hồi giáo cực đoan hồi năm 2015 sau khi tòa soạn báo Charlie Hebdo đăng tải các hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.