Ngày 18/1, giới chức địa phương cho biết các vụ đụng độ sắc tộc xảy ra cùng ngày tại bang Nam Darfur của Sudan đã khiến 47 người thiệt mạng.
Các vụ đụng độ xảy ra chỉ một ngày sau các vụ việc tương tự ở bang lân cận, khiến hơn 80 người thiệt mạng.
Thủ lĩnh bộ lạc Fallata Mohamed Saleh cho biết lực lượng của bộ lạc Rizeigat (chủ yếu là người Arab) sử dụng nhiều phương tiện trong đó có xe máy và lạc đà, tấn công làng Saadoun thuộc bộ lạc Fallata.
Theo ông Saleh, các vụ đụng độ giữa hai bộ lạc đã chấm dứt nhưng có 47 người đã thiệt mạng trong khi một số nhà cửa bị thiêu rụi.
[Sudan: Bạo lực bùng phát tại Tây Darfur làm gần 150 người thương vong]
Các cuộc đụng độ xảy ra sáng 18/1, chỉ một ngày sau các vụ bạo lực tương tự giữa các nhóm sắc tộc ở bang Tây Darfur khiến 83 người thiệt mạng trong 2 ngày 16-17/1.
Các vụ việc cũng xảy ra chỉ khoảng 2 tuần sau khi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (UNAMID) chính thức kết thúc sứ mệnh tại Darfur trong bối cảnh tình hình an ninh đã có nhiều tiến triển.
Sudan hiện trải qua giai đoạn chuyển tiếp đầy bất ổn kể từ tháng 4/2019 sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ.
Hiện chính quyền dân sự mới thiết lập đang nỗ lực ổn định những khu vực chìm trong nội chiến nhiều thập kỷ qua.
Hồi tháng 10/2020, chính phủ đã ký một thỏa thuận hòa bình với các nhóm nổi dậy chính, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột tại những vùng chiến tranh, trong đó có cả vùng Darfur.
Chỉ có 2 nhóm nổi dậy chính không tham gia thỏa thuận này, trong đó có một nhóm có ảnh hưởng tại bang Darfur.
Tới nay, dù cuộc xung đột chính ở Sudan đã hạ nhiệt nhưng các vụ đụng độ sắc tộc vẫn thường xuyên nổ ra, chủ yếu giữa những người Arab du mục và nhóm các nông dân định cư người thiểu số không phải người Arab.
Trong khi các lực lượng nổi dậy đều đã cam kết hạ vũ khí, lịch sử xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua khiến các loại vũ khí trở nên phổ biến trên cả vùng phía Tây rộng lớn của Sudan, cùng với đó là những chia rẽ sắc tộc khó hòa giải.
Riêng vùng Darfur đã rơi vào bất ổn và xung đột nghiêm trọng từ năm 2003, khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Tình trạng bạo lực tại vùng này hiện vẫn là vấn đề an ninh nan giải. Nguyên nhân đụng độ chủ yếu vì tranh chấp đất đai và nguồn nước./.