Dùng thiết bị đo sâu tìm máy bay Malaysia mất tích

Sẽ sử dụng thiết bị đo dưới biển để tìm kiếm tàu bay mất tích, mở rộng vùng tìm kiếm về phía Đông và phía Tây so với vị trí cũ.
Dùng thiết bị đo sâu tìm máy bay Malaysia mất tích ảnh 1Tàu tham gia công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. (Ảnh: TTXVN)

Đã ba ngày trôi qua kể từ khi chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích trên vùng thông báo bay của Việt Nam. Theo thông tin mới nhất, các đội cứu hộ dự định sẽ sử dụng thiết bị đo sâu và mở rộng vùng tìm kiếm.

Sáng nay (11/3), ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam tại Hà Nội - cho biết, việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích vẫn chưa có phát hiện gì mới. 

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đang tích cực cùng với các lực lượng trong và ngoài nước mở rộng phạm vi tìm kiếm trong hôm nay.

Theo ông Gia, vùng tìm kiếm sẽ mở rộng ra 100-200 km về phía Đông và phía Tây so với vị trí cũ. Các tàu bay của không quân Việt Nam sẽ vẫn hoạt động trong vùng FIR (vùng thông báo bay) của Việt Nam nhưng ở phía Tây sẽ bay sát đến vùng do Thái Lan kiểm soát. Ngoài ra tầm bay cũng sẽ được nâng lên ở độ cao từ 3.000-5.000m.

Hôm nay, Việt Nam sẽ huy động 6 máy bay tham gia cuộc tìm kiếm. Trong đó có hai chiếc AN26 triển khai bay tìm kiếm; một trực thăng, thủy phi cơ DHC 6; một máy bay MI 171 và 1 chiếc SUPER (sẵn sàng tham gia khi có lệnh).

Dự kiến, địa điểm cất cánh sẽ từ Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cà Mau và Năm Căn. Khu vực tìm kiếm ưu tiên cho AN-26 sẽ ở các vị trí có tọa độ 08o02’00’’ N - 105000’00’’ E; 08o50’00’’ N - 106000’00’’ E; C: 07o00’00’’ N - 106000’00’’ E; 07o00’ 00’’N - 105000’00’’ E. Khu vực ưu tiên tìm kiếm: dành cho DHC 6 và MI là 10o20’00’’ N - 103040’00’’ E; B: 09o30’00’’ N - 103040’00’’ E; 09o30’ 00’’N - 103000’00’’ E.

“Ngày hôm nay, có nhiều giả thiết tìm kiếm được đặt ra, chúng tôi đang tính toán để đưa ra vùng tìm kiếm hiệu quả nhất. Hiện đã có 5 máy bay hoạt động trên vùng tìm kiếm, gồm: 2 chiếc của Việt Nam (trong đó, một máy bay đang mở rộng tìm kiếm về phía mũi Cà Mau), 2 chiếc của Malaysia, 1 chiếc của Singapore,” ông Gia nói.

Liên quan đến việc thông tin máy bay Hồng Kông phát hiện những vật thể lớn cách Vũng Tàu 60km, ông Gia cho biết, tàu hải quân của Việt Nam trong đêm 10/3 đã ra xác minh song không thấy có gì bất thường. Và tính đến 9 giờ sáng ngày 11/3, các tàu và máy bay đã bay mở rộng vùng tìm kiếm, song vẫn chưa thấy dấu hiệu khả thi.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Văn phòng tìm kiếm cứu nạn Singapore đang xin phép được vào hỗ trợ tìm kiếm với thiết bị đo sâu chuyên dùng có khả năng phát hiện vết tích tàu bay dưới độ sâu 100 mét.

“Sau khi họp bàn, phía Việt Nam đã đồng ý mời nước bạn vào hỗ trợ, tìm kiếm để mong sớm có kết quả,” ông Thắng cho hay.

Trong suốt ngày 10/3, lực lượng không quân đã huy động máy bay chuyên cơ, hải quân điều 4 tàu, trong đó có 2 tàu của cảnh sát biển, 2 của hàng hải ra hiện trường nhưng vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu máy bay mất tích của Malaysia.

Máy bay Singapore phát hiện một vật thể lạ được cho là mảnh vỡ máy bay. Ngay khi nhận được thông tin ứng cứu, Việt Nam đã triển khai lực lượng đi trục vớt. Tuy nhiên, vật thể này không liên quan đến máy bay Malaysia.

Hiện tại, Việt Nam đã cấp phép cho máy bay và tàu của 4 nước vào lãnh hải Việt Nam tham gia tìm kiếm gồm: Malaysia, Singapore, Mỹ và Trung Quốc. Tổng cộng các nước là 34 tàu bay, 40 tàu thủy các loại, không kể tàu của ngư dân tham gia cứu hộ.

Như vậy, từ thời điểm chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines bị mất tích bí ẩn đến nay, các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa phát hiện được dấu hiệu khả quan nào, mặc dù đã huy động một lực lượng lớn tàu và máy bay tìm kiếm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục