Dùng thuốc aspirin hằng ngày có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu

Thiếu máu thường gặp ở người cao tuổi, có khả năng ảnh hưởng đến chức năng tổng thể và làm gia tăng mệt mỏi, ốm yếu, triệu chứng trầm cảm và các vấn đề về nhận thức.
Dùng thuốc aspirin hằng ngày có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu ảnh 1Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Theo một phần kết quả nghiên cứu do Đại học Monash của Australia dẫn đầu, việc kéo dài sử dụng thuốc aspirin hằng ngày có thể làm gia tăng nguy cơ thiếu máu ở người cao tuổi khỏe mạnh, đặc biệt là đối với những người từ 70 tuổi trở lên.

Tân Hoa xã dẫn thông cáo báo chí ngày 20/6 của đại học trên cho biết nghiên cứu được thực hiện qua quá trình theo dõi 18.153 người cao tuổi mà ban đầu có tình trạng sức khỏe tốt ở Australia và Mỹ. Nhóm nghiên cứu ghi nhận được các trường hợp thiếu máu trong trung bình 4,7 năm.

Một nửa số người tham gia dùng giả dược trong khi nửa còn lại dùng aspirin liều thấp, tức 100mg hằng ngày. So sánh giữa hai nhóm này, nhóm sử dụng aspirin có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn 20% so với nhóm dùng giả dược.

Thiếu máu thường gặp ở người cao tuổi, có khả năng ảnh hưởng đến chức năng tổng thể và làm gia tăng mệt mỏi, ốm yếu, triệu chứng trầm cảm và các vấn đề về nhận thức.

[Đột phá mới trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư máu hiếm gặp]

Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 30% người từ 75 tuổi trở lên bị thiếu máu, chủ yếu là do thiếu sắt, các bệnh đi kèm và viêm nhiễm. Tuy nhiên, 1/3 trong số những người bị thiếu máu không rõ nguyên nhân gây bệnh.

Phó Giáo sư Zoe McQuilten, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về nguy cơ mắc bệnh thiếu máu khi sử dụng aspirin và tác động có thể lớn hơn đối với người cao tuổi mắc các bệnh nền chẳng hạn như bệnh thận."

Bà Zoe McQuilten khuyến nghị các bệnh nhân cần làm theo lời khuyên của bác sỹ về việc sử dụng aspirin hàng ngày và không nên thay đổi liều dùng aspirin khi chưa được chỉ định của bác sỹ.

Ngoài nguy cơ thiếu máu cao hơn, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhóm dùng aspirin bị giảm huyết sắc tố nhanh hơn và giảm nồng độ ferritin (kiểm tra định lượng sắt) trong các xét nghiệm máu so với nhóm dùng giả dược.

Công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y tế Annals of Internal Medicine của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.