Dù được dự báo là thị trường xe máy đã bão hòa, nhưng theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán hàng trong quý III vừa qua của 5 đơn vị thành viên đạt 845.604 xe các loại, tăng 14% so với quý II năm 2017.
Như vậy, cùng với doanh số bán hàng của hai quý đầu năm gần 1.527.300 xe (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước), tính đến hết quý II/2017, thị trường xe máy Việt Nam có tổng cộng gần 2.373.000 xe máy mới được tiêu thụ trong cả nước.
Năm đơn vị thành viên của VAMM gồm Honda Việt Nam với 14 sản phẩm xe máy, Piaggio Việt Nam 9 sản phẩm, Suzuki Việt Nam 9 sản phẩm, SYM Việt Nam 13 sản phẩm và Yamaha Motor Việt Nam với 15 sản phẩm xe máy.
Năm thành viên VAMM đang cung cấp cho thị trường Việt Nam các dòng sản phẩm đa dạng, bao gồm các dòng xe số, xe tay ga, xe tay côn và xe thể thao.
Mặc dù không công bố doanh số sản xuất của từng đơn vị thành viên cũng như sức tiêu thụ từng mẫu xe trên thị trường, nhưng VAMM cho biết, con số công bố này không phải là số sản xuất và không bao gồm số lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên.
Ngoài số liệu công bố trên, thị trường xe máy Việt Nam còn có doanh số bán hàng của các thương hiệu xe phân khối lớn đang phân phối tại Việt Nam là Ducati, Kawasaki, BMW, KTM, Benelli... Đây là những đơn vị không phải là thành viên của VAMM nên không có báo cáo bán hàng.
Từng đánh giá về thị trường xe máy Việt Nam, ông Yano Takeshi, Chủ tịch VAMM cho biết thị trường xe máy Việt Nam đã bão hòa và đang dịch chuyển từ xe số sang xe tay ga.
Tại Việt Nam, dòng xe tay ga đang chiếm hơn 45% thị phần và sẽ là phân khúc tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
[Thị trường xe máy chuyển dịch sang xe tay ga cao cấp, phân khối lớn]
Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng xe tay ga còn nhiều tiềm năng không chỉ ở thành phố mà còn ở các vùng nông thôn. Do vậy, một số doanh nghiệp vẫn tập trung khai thác những thị trường này.
Liên quan thông tin đến năm 2030 Hà Nội sẽ thực hiện đề án hạn chế xe máy, ông Yano Takeshi nhìn nhận, xe máy vẫn là phương tiện thiết yếu của người dân Thủ đô cũng như các đô thị lớn khác bởi tính kinh tế, tiện lợi và phù hợp với điều kiện đường sá của Việt Nam.
Đó là chưa nói đến quỹ đất hạn chế, đường nhỏ, nhiều ngõ ngách sâu, công trình giao thông công cộng chậm phát triển… là những lý do khiến người dân chọn xe máy làm phương tiện đi lại.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn hạn chế hoặc loại bỏ hẳn xe máy thì cần phải có phương tiện khác thay thế thuận tiện, nhanh chóng, rẻ tiền, cơ động và an toàn. Hà Nội và các thành phố lớn đã và đang phát triển hệ thống xe buýt, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân.
Chia sẻ quan điểm của mình, anh Nguyễn Văn Bình, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội giảm hay cấm xe máy, nhưng để cho xe ô tô cá nhân phát triển thì rất không ổn bởi diện tích chiếm mặt đường của xe ôtô bằng 3 đến 4 lần xe máy.
Đặc biệt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nếu chỉ hạn chế xe máy họ sẽ chuyển sang đi ôtô cá nhân, khi đó Hà Nội lại rơi vào tình trạng tắc đường nghiêm trọng hơn hiện nay.
"Chỉ khi nào người dân có thể đi lại bằng phương tiện công cộng một cách thuận tiện, nhanh chóng thì Hà Nội cũng như các thành phố khác mới có thể áp dụng hạn chế phương tiện cá nhân một cách hiệu quả," chị Hà Vi ở Dốc Thọ Lão, phường Đống Mác, Hà Nội cho biết./.