Được mùa cá, ngư dân trúng đậm "lộc biển" ngay dịp đầu năm

Hầu hết các tàu đều có lãi từ 60-350 triệu đồng/chuyến biển, đem lại niềm vui lớn cho các chủ tàu về "lộc biển" ngay từ những ngày đầu Năm mới.
Được mùa cá, ngư dân trúng đậm "lộc biển" ngay dịp đầu năm ảnh 1(Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)

Những ngày này, cảng cá trên địa bàn các tỉnh ven biển đã hoạt động trở lại. Ngư dân các địa phương đã trúng vụ cá đầu năm và ước vọng một năm mới gặp nhiều may mắn.

Tại Bình Định, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết trước Tết Đinh Dậu 2017, toàn tỉnh có khoảng 950 tàu ra khơi bám biển trong dịp Tết. Đến nay, đã có rất nhiều tàu vào cập bến tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh như Tam Quan (Hoài Nhơn); Đề Gi (Phù Cát) và Hải Cảnh (Quy Nhơn).

Bình quân mỗi tàu đạt sản lượng khoảng 2-2,5 tấn cá ngừ đại dương, chưa kể cá sọc dưa và các loại cá khác. Với giá thu mua cá ngừ đại dương khoảng trên 94.000 đồng/kg và cá sọc dưa khoảng 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, hầu hết các tàu đều cho lãi ròng từ 200-350 triệu đồng.

Có mặt tại cảng cá phường Hải Cảng, Quy Nhơn vào lúc 5 giờ sáng 8/2, tàu vào bến khá tấp nập và chuyển cá từ các tàu lên bờ. Nét mặt vui tươi của các chủ tàu đã hiện rõ khi trúng đậm "lộc biển” đầu năm.

Ông La Tức, quê xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn là chủ tàu cá BĐ 97968 TS cho biết chuyến biển này, tàu của ông ra khơi trước Tết và đến nay, sau 15 ngày bám biển, tàu của ông đã khai thác được 20 con cá ngừ đại dương, mỗi con từ 40-50 kg và hơn 10 tấn cá ngừ sọc dưa khác. Với giá thu mua cá như hiện nay, tàu của ông đạt doanh thu trên 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 350 triệu đồng.

Cách đó không xa, chủ tàu đánh bắt xa bờ số hiệu BĐ 91375-TS, ông Nguyễn Thành Tuân, quê ở Quy Nhơn cũng đang hối hả bốc xếp cá lên bờ.

Khi được hỏi về sản lượng đánh bắt của tàu trong chuyến biển đầu năm, ông cho hay tàu đã ra khơi bám biển 20 ngày, vừa sản xuất vừa ăn Tết trên biển.

Hôm nay (8/2) tàu cập Cảng cá Quy Nhơn, với ​9 con cá ngừ đại dương, mỗi con từ 40-60 kg và trên 13 tấn cá ngừ sọc dưa. Cũng với giá thu mua hiện nay, doanh thu của chuyến biển này đạt trên 400 triệu đồng và trừ chi phí lãi 200 triệu đồng.

Đến nay, số lượng tàu cá của tỉnh vẫn đang tiếp tục cập cảng trong và ngoài tỉnh. Với sản lượng thu được, hầu hết các tàu đều có lãi từ 60-350 triệu đồng/chuyến biển, đem lại niềm vui lớn cho các chủ tàu về "lộc biển" ngay từ những ngày đầu Năm mới.

Tại Sóc Trăng, không khí tại cảng cá Trần Đề sáng 8/2 hết sức nhộn nhịp với hàng chục con tàu khai thác cá cơm lên, xuống hàng. Những két, sọt cá cơm đầy ắp, tươi rói được các đội bốc xếp nhanh chóng đưa khỏi khoang tàu, sớm đưa đến nơi tiêu thụ. Mới 9 giờ sáng mà đã có tới 5 tàu vào cảng, đưa cá lên bờ.

Theo anh Nguyễn Đăng Luân, Phó Bộ phận điều hành cảng, cao điểm nhất là ngày 6/2 khi có tới 28 tàu vào cảng đưa cá lên bờ, chủ yếu là cá cơm với sản lượng khoảng 500 tấn. Ngày 7/2, có hơn 20 tàu khai thác cập cảng lên cá. Hầu hết các tàu là của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận... những địa phương có truyền thống trong nghề khai thác cá cơm.

Một ngư phủ trên tàu mang biển số tỉnh Bình Định phấn khởi cho biết sau Tết Nguyên đán, tàu của anh vào cảng cá này chuyến thứ hai. Chuyến nào anh cũng khai thác được 700-800 giỏ cá cơm.

"Làm thì cực nhưng vui vì ngay đầu năm đã trúng cá, thu nhập cũng được chủ tàu chia theo sản nên anh em bạn tàu vui lắm," ngư dân này cho biết.

Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Cảng cá Trần Đề cho biết sau Tết, các tàu khai thác biển của Sóc Trăng đã lần lượt ra khơi khai thác. Mùa cá năm nay báo hiệu nhiều thuận lợi khi ngay từ đầu năm, cảng đã liên tục đón nhận tàu vào đưa cá vào cảng. Ngoài cá cơm được mùa, được giá thì các loại cá khác cũng có sản lượng và giá cả tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ trúng mùa, trúng giá, có tàu đi chưa đầy 2 ngày đã vào cảng, thu về cả trăm triệu đồng.

Theo những ngư dân chuyên khai thác cá cơm về cảng Trần Đề, mùa cá cơm thường kéo dài từ tháng Một đến hết tháng Tám hàng năm, nhưng thời điểm trúng nhất tập trung từ tháng Một đến tháng Ba. Năm nay, mùa cá cơm đến sớm lại được mùa, nên các cơ sở thu mua, sơ chế đều "ăn theo."

Đặc biệt, từ khi tuyến đường Nam sông Hậu được thông suốt, tàu đánh bắt cá cơm và khai thác biển vào cảng Trần Đề ngày càng nhiều. Nghề sơ chế cá cơm mới phát triển tại đây cũng nhanh chóng hoạt động mạnh vì sản phẩm dễ vận chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh khác. Cá cơm sau khi hấp chín, phơi khô sẽ được cắt bỏ phần đầu và đóng gói để xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa.

Nhờ những dịch vụ hoạt động đồng bộ nên mặc dù sản lượng cá cơm khai thác mỗi ngày lên đến vài trăm tấn, việc tiêu thụ vẫn diễn ra nhanh chóng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.