Đuổi việc bảo vệ thu phí chui trên cầu tạm dự án cầu Hòa Viên

Chủ thầu dự án xây cầu Hòa Viên đã quyết định đuổi việc cặp vợ chồng nhân viên bảo vệ được cho là đã thu phí trái phép đối với các phương tiện 4 bánh đi qua cây cầu tạm phục vụ công trình.
Đuổi việc bảo vệ thu phí chui trên cầu tạm dự án cầu Hòa Viên ảnh 1Chủ thầu xây dựng cầu Hòa Viên đã quyết định đuổi việc 2 nhân viên bảo vệ thu phí trái phép tại cây cầu tạm phục vụ công trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến việc lập trạm thu phí chui để trục lợi trên cầu tạm công trường xây dựng cầu Hòa Viên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Toàn Phát cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị này đã tiến hành họp với các bên liên quan. Hiện, nhóm hai người bảo vệ đứng ra thu phí đối với ô tô qua cây cầu này đã bị đuổi việc.

Ngoài ra, các bên cũng thống nhất chủ trương đóng cọc giữa cầu, ngăn không cho ô tô đi qua để đảm bảo an toàn.

Đuổi việc bảo vệ thu phí chui

Như VietnamPlus đã phản ánh, trong thời gian nhiều năm, cây cầu tạm phục vụ việc thi công cầu Hòa Viên (xã Viên An, Ứng Hòa, Hà Nội) đã bất ngờ được chuyển đổi công năng sang phục vụ dân sinh khi dự án bị ngưng trệ. Hàng ngày, hàng trăm lượt người và phương tiện đã qua lại cây cầu này, trong đó có cả xe ô tô và nhiều xe tải có trọng tải lớn.

Đáng lưu ý, cũng trong khoảng thời gian này, một cặp vợ chồng tên Minh làm nhiệm vụ bảo vệ công trường đã tự ý thu phí đối với các ô tô qua lại hai bờ sông Đáy với số tiền từ 20.000 đồng -50.000 đồng/lượt xe.

Theo Phó Chủ tịch xã Hòa Chính, mỗi ngày có khoảng từ 100-150 lượt xe qua lại hai xã Hòa Chính (Chương Mỹ) và Viên An (Ứng Hòa) thông qua cây cầu này. Như vậy, số tiền thu được lên tới cả tỷ đồng một năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Toàn Phát [đơn vị thầu dự án cầu Hòa Viên-PV] cho hay: Về quan điểm, việc bảo vệ tự ý thu phí không nằm trong chủ trương của công ty.

Cụ thể, theo ông Thắng, dựa trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo xã Hòa Chính khi cầu phao qua sông xuống cấp, Ban quản lý dự án giao thông 2 và Công ty Toàn Phát đã đồng ý để xã này sử dụng cầu tạm để phục vụ việc lưu thông của nhân dân.

“Chúng tôi chỉ cho xe thô sơ và người qua cầu chứ không cho ô tô đi qua,” ông Thắng nhấn mạnh quan điểm.

Tuy nhiên, vị Giám đốc này cũng cho biết thêm: Thực tế, tại công trường, việc các bảo vệ tự ý thu phí rất khó quản lý. Sau khi tiếp nhận thông tin, phía Ban quản lý dự án giao thông 2, công ty Toàn Phát đã tổ chức họp với đại diện chính quyền địa phương. Trước mắt, công ty đã tiến hành kỷ luật, không cho vợ chồng ông Minh tiếp tục làm việc.

Cặp vợ chồng này cũng là những bảo vệ đã làm nhiều năm tại công trường xây dựng cầu Hòa Viên.

Đuổi việc bảo vệ thu phí chui trên cầu tạm dự án cầu Hòa Viên ảnh 2Ông Minh là người trực tiếp đứng ra thu phí đối với các ôtô qua lại cây cầu tạm trong nhiều năm nay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho cầu cũng như người và phương tiện lưu thông qua, các bên liên quan đã thống nhất cấm toàn bộ ô tô đi qua hai bờ sông Đáy qua cầu tạm.

“Trọng tải cầu chỉ là 20 tấn đổ lại. Nếu xe tải nặng đi qua sập cầu thì ai chịu,” ông Thắng nói.

Dự kiến, phía nhà thầu Toàn Phát sẽ tiến hành đóng hàng cọc giữa cầu tạm để ngăn toàn bộ ô tô lưu thông qua. Cách làm này cũng chấm dứt tình trạng thu phí chui gây bức xúc thời gian qua.

Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm đối với số tiền đã bị thu sai, ông Thắng cho hay mình không nắm được vấn đề này.

Tái khởi động dự án cầu Hòa Viên

Một trong những lý do chính khiến cây cầu tạm xuất hiện và biến tướng thành một "trạm thu phí ma" là sự đình trệ của dự án Cầu Hòa Viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án xây dựng cầu Hòa Viên bắc qua sông Đáy, nối xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) với xã Viên An (huyện Ứng Hòa) có chiều dài gần 190m, rộng khoảng 8m, với tổng mức đầu tư ban đầu gần 35 tỷ đồng, chính thức được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt năm 2006.

Tháng 7/2008, dự án được điều chỉnh một số hạng mục, nâng tổng mức đầu tư lên 47,5 tỷ đồng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, dự án được giao cho Ban quản lý dự án giao thông 2, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh Công ty cổ phần số 6 Thăng Long và Công ty cổ phần Tập đoàn Toàn Phát. Trong đó, Công ty cổ phần số 6 Thăng Long đã xong phần việc của mình, thời điểm hiện tại do Công ty cổ phần Tập đoàn Toàn Phát làm đơn vị thi công.

Dự án xây dựng cầu Hòa Viên chính thức khởi công từ tháng 8/2009. Theo tiến độ đề ra, dự án được tiến hành trong thời gian 18 tháng, nhưng trên thực tế, sau gần 7 năm triển khai, đến nay đơn vị thi công mới lắp đặt xong 3 nhịp dầm, 4 trụ và 1 mố cầu, tương đương 60% khối lượng công việc.

Đuổi việc bảo vệ thu phí chui trên cầu tạm dự án cầu Hòa Viên ảnh 3Dự kiến, trong cuối tháng 5 này, dự án cầu Hòa Viên sẽ được tái khởi động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện tại, điểm vướng mắc lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng khi vẫn còn 7 hộ dân nằm bên bờ xã Hòa Chính chưa đồng ý với phương án tái định cư được chính quyền đưa ra.

Hệ quả là trong nhiều năm, toàn bộ công trình bị đóng băng. Thay vì một cây cầu hiện đại nối hai bờ, khu vực công trình lại ngổn ngang vật liệu, máy móc rỉ sét, chìm trong cỏ dại.

Việc đình trệ dự án cũng khiến cho công ty Toàn Phát thiệt hại nghiêm trọng khi máy móc thiết bị bị bỏ không. Mỗi tháng, công ty này cũng phải bỏ hàng chục triệu để thuê người trông coi công trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Thọ, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông 2, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay: Hiện, 7 hộ dân này đã cơ bản đồng ý với mức giá và phương án tái định cư mà huyện Chương Mỹ đưa ra.

“Dự kiến, trong cuối tháng Năm này, dự án cầu Hòa Viên sẽ được tái khởi động,” ông Thọ cho hay.

Hy vọng, dự án cầu Hòa Viên sẽ sớm được hoàn thành, xóa bỏ cảnh cầu tạm và "trạm thu phí ma" phi lý ở ngay giữa lòng Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục