La Via Appia-biểu tượng của La Mã cổ đại và các cuộc chinh phạt của đế chế này, vừa chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới được tổ chức từ ngày 21-31/7 tại New Delhi, Ấn Độ, UNESCO đã chính thức công nhận La Via Appia, còn được gọi là "Regina Viarum" hay "Nữ hoàng của các con phố,” là Di sản thế giới.
Đây là Di sản thế giới thứ 60 của Italy, theo đó nước này tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia có nhiều Di sản thế giới nhất.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Văn hóa Italy Gennaro Sangiuliano đánh giá cao việc UNESCO nắm bắt được giá trị phổ quát đặc biệt của một công trình kỹ thuật phi thường, trong nhiều thế kỷ đóng vai trò thiết yếu cho các hoạt động trao đổi thương mại, xã hội và văn hóa với Địa Trung Hải và phương Đông.
Đây là sự công nhận giá trị của lịch sử và bản sắc của nước này, từ đó có thể mang lại lợi ích kinh tế cho các vùng lãnh thổ liên quan.
Việc La Via Appia được chính thức công nhận là kết quả của quá trình làm việc nhóm chặt chẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức ở nhiều cấp độ khác nhau, nhất là 4 vùng Lazio, Campania, Basilicata và Puglia, 13 thành phố, 74 đô thị, 14 công viên, 25 trường đại học và nhiều đại diện của cộng đồng địa phương, cùng Bộ Ngoại giao Italy và Ủy ban Giáo hoàng về Khảo cổ học của Tòa thánh Vatican.
La Via Appia được xây dựng vào năm 312 trước Công nguyên, theo lệnh của Appio Claudio Cieco-vị chính khách mà con đường này được đặt tên theo.
Nổi tiếng với kỹ thuật xây dựng phi thường và chất lượng, con đường này vẫn là biểu tượng của sức mạnh và tầm nhìn xa của Đế chế La Mã, trở thành một trong những con đường quan trọng nhất trong thời kỳ này.
Ban đầu, con đường này kết nối Rome với Capua, được mở rộng đến Benevento và sau đó đến Taranto cho đến khi tuyến đường được nối đến thành phố Brindisi vào khoảng năm 190 trước Công nguyên.
Con đường chủ yếu phục vụ cho việc di chuyển nhanh chóng của quân đội về phía Nam Italy, nhưng La Via Appia cũng trở thành một tuyến đường thương mại quan trọng, tạo điều kiện cho dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ chảy vào và thúc đẩy sự mở cửa về văn hóa của xã hội La Mã đối với văn hóa Hy Lạp.
“Đường cổ” Appia đã được khôi phục và mở rộng trong thời kỳ đế chế Augustus, Vespasian, Trajan và Hadrian. Đế chế Trajan cũng xây dựng Via Appia Traiana, một nhánh từ Benevento đến Brindisi qua một tuyến đường ven biển và bằng phẳng.
Sau khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ, việc bảo trì con đường đã dừng lại, dẫn đến việc dần bị bỏ hoang. Tuy nhiên, vào năm 535, nhà sử học Procopius mô tả La Via Appia vẫn còn trong tình trạng tốt.
Hiện nay, những đoạn đường lớn được bảo tồn và một phần vẫn được sử dụng cho giao thông ô tô ở các vùng Lazio, Campania, Basilicata và Puglia.
Ngày nay, La Via Appia không chỉ là minh chứng quan trọng cho quá khứ của La Mã mà còn là tuyến đường có giá trị lớn về cảnh quan và văn hóa Italy./.
Thăm dò, khai quật khảo cổ tại Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn
Dự án khai quật khảo cổ khu vực phía đông tháp K được đánh giá là rất kịp thời, cần thiết nhằm góp thêm những tư liệu mới giúp nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa-lịch sử-kiến trúc Mỹ Sơn.