EBRD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ukraine trong năm nay

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho biết kinh tế Ukraine sẽ giảm khoảng 30% trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột.
EBRD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ukraine trong năm nay ảnh 1Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng lúa mỳ ở Mala Divytsa, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/5, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Ukraine trong năm nay, theo đó kinh tế nước này sẽ giảm khoảng 30% do ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Trước đó, hồi tháng 3, ngay sau khi xảy ra xung đột, EBRD nhận định kinh tế Ukraine sẽ tăng trưởng âm 20% trong năm 2022 này.

Tuy nhiên, EBRD dự báo kinh tế Ukraine sẽ đạt tăng trưởng 25% vào năm 2023, tăng từ mức dự báo đưa ra hồi tháng 3 là 23%.

EBRD cũng dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 10% trong năm nay và tăng trưởng 0% trong năm sau, không thay đổi so với nhận định được đưa ra hồi tháng 3.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước này thiệt hại khoảng 170 triệu USD mỗi ngày do xung đột khiến Kiev không thể tiếp cận các cảng biển và năng lực xuất khẩu quốc gia đã giảm hơn một nửa.

Người đứng đầu Chính phủ Ukraine đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại thành phố cảng Odesa, miền Nam nước này, cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, người có chuyến thăm Ukraine ngày 9/5.

[Ukraine đánh giá tác động của cuộc xung đột đến nền kinh tế]

Thủ tướng Shmyhal cho biết hoạt động vận chuyển hàng hóa qua các cảng của Ukraine ở Biển Đen đã bị đình trệ kể từ khi xảy ra xung đột hồi cuối tháng 2. Hiện nay, khoảng 70 tàu hàng đang bị phong tỏa tại các cảng biển của Ukraine, trong đó có 10 tàu ở cảng Odessa.

Theo ông Shmyhal, khoảng 90 triệu tấn nông sản mà Ukraine dự định xuất khẩu sang các nước ở châu Á, châu Phi và châu Âu, đã bị phong tỏa. Ông Shmyhal cho biết thêm một số sản phẩm đã được xuất khẩu bằng đường bộ hoặc đường sắt, nhưng một số khác vẫn nằm trong các khu vực xảy ra xung đột.

Thủ tướng Shmyhal lo ngại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể xảy ra do hoạt động vận chuyển hàng hóa tại các cảng của Ukraine bị tê liệt, đồng thời kêu gọi Chủ tịch EC Michel tăng cường nỗ lực chung để ngăn chặn nguy cơ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.