Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rằng việc áp giới hạn đối với giá khí đốt có thể phức tạp và gây ra rủi ro cho an ninh năng lượng khối này.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nước kêu gọi EC can thiệp để kiềm chế giá nhiên liệu cao.
Trong một tài liệu được chia sẻ với các nước vào ngày 28/9, EC đã phân tích các lựa chọn khác nhau mà EU có thể xem xét để hạn chế giá khí đốt tăng cao.
[Giá khí đốt châu Âu tăng vọt sau khi Nga ngừng hoạt động Nord Stream 1]
Tài liệu cho biết việc áp mức trần giá bán buôn cho các giao dịch trao đổi - bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nguồn cung thông qua đường ống - có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu giữa các nước EU.
Đó là bởi các tín hiệu giá cả sẽ không còn giúp thúc đẩy dòng chảy đến các khu vực có nhu cầu cao hoặc nguồn cung khan hiếm.
Ủy ban cho biết việc áp giới hạn giá như vậy chỉ có thể hiệu quả nếu một thực thể mới được thành lập để phân bổ và vận chuyển nguồn cung cấp nhiên liệu khan hiếm giữa các quốc gia.
EU cũng sẽ cần "nguồn lực tài chính đáng kể" để đảm bảo các nước có thể tiếp tục thu hút nguồn cung khí đốt từ các thị trường toàn cầu có tính cạnh tranh cao, nơi những người mua khác sẵn sàng trả giá cao hơn mức giới hạn của EU. Song EC không chỉ rõ nguồn tài nguyên đó có thể đến từ đâu.
EC cũng nói thêm rằng khả năng việc áp giới hạn giá bán buôn khí đốt sẽ gây ra "rủi ro gián đoạn nguồn cung" từ các nhà cung cấp nước ngoài là lớn hơn so với giới hạn chỉ đối với việc giao hàng theo đường ống.
Trong tài liệu, EC cũng phân tích các lựa chọn khác để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, bao gồm một mức giới hạn hạn chế hơn cho giá khí đốt.
Tài liệu cho biết EU có thể giới hạn giá nhập khẩu khí đốt của Nga, hoặc áp trần giá cho khí đốt được sử dụng để sản xuất điện như một cách để chế ngự giá điện cao.
Ủy ban khuyến nghị EU đàm phán với các nhà cung cấp "đáng tin cậy" để giảm giá, đồng thời cho biết việc mua khí đốt chung cũng có thể giúp các nước chia sẻ công bằng nguồn cung cấp bổ sung.
Hiện các nước EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc liệu áp mức trần giá khí đốt có giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung và tăng giá năng lượng hay không, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga cho châu Âu giảm sút.
Pháp, Italy, Ba Lan và 12 quốc gia khác đã thúc giục EC đề xuất áp mức trần giá khí đốt bán buôn để giúp kiềm chế lạm phát gia tăng. Ngược lại, Đức, Hà Lan và Đan Mạch nằm trong số những nước phản đối.
Các cuộc thảo luận về giới hạn giá khí đốt có thể sẽ tiếp tục diễn ra tại cuộc họp ngày 30/9 của các Bộ trưởng Năng lượng EU, những người cũng chuẩn bị thông qua một gói biện pháp do EC đề xuất vào tuần trước - bao gồm thuế lợi tức đối với các công ty năng lượng./.