EC kêu gọi Hà Lan không phản đối hiệp định FTA giữa Ukraine-EU

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh việc cử tri Hà Lan bỏ phiếu "không" để phản đối Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và EU sẽ "mở đường" cho một cuộc khủng hoảng tại châu Âu.
EC kêu gọi Hà Lan không phản đối hiệp định FTA giữa Ukraine-EU ảnh 1Chủ tịch EC, ông Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 9/1 đã kêu gọi các cử tri Hà Lan không phản đối Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), cho rằng động thái này có thể mở đường cho một cuộc khủng hoảng tại "Lục địa già".

Phát biểu trên được Chủ tịch EC đưa ra trong bối cảnh một chiến dịch công dân tại Hà Lan do 3 nhóm có tư tưởng hoài nghi châu Âu dẫn đầu đã tập hợp được hơn 300.000 người Hà Lan tham gia cuộc trưng cầu ý dân "không bắt buộc" về Hiệp định thương mại tự do Ukraine-EU, dự kiến diễn ra ngày 6/4 tới.

Trả lời phỏng vấn nhật báo chính thức NRC ngày 9/1, ông Juncker nhấn mạnh việc cử tri Hà Lan bỏ phiếu "không" để phản đối Hiệp định nói trên sẽ "mở đường" cho một cuộc khủng hoảng tại châu Âu.

Các nhà quan sát cũng cho rằng cuộc trưng cầu ý dân không bắt buộc này cho thấy xu hướng hoài nghi châu Âu gia tăng mạnh mẽ trong cộng đồng người Hà Lan chứ không phải chỉ là việc bày tỏ sự phản đối FTA giữa EU và Kiev.

Kể từ ngày 1/1/2016, Hiệp định về khu vực thương mại tự do Ukraine - EU bắt đầu có hiệu lực. Theo đánh giá của Bộ Kinh tế Ukraine, lợi ích lớn nhất từ FTA với EU là sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dòng hàng hóa giá rẻ. 97% danh mục hàng hóa sẽ được miễn thuế khi xuất - nhập giữa Ukraine và EU.

Dự báo, FTA sẽ mang lại cho GDP Ukraine 10-15 tỷ hryvnia mỗi năm (khoảng 4-6 tỷ USD). Mức giảm giá hàng hóa từ EU được dự kiến vào khoảng 5%.

Hiện Nga phản đối việc thành lập khu vực thương mại tự do này và Moskva đã quyết định cũng từ ngày 1/1 sẽ đình chỉ khu vực thương mại tự do với Ukraine. Theo đó, hàng hóa đến từ lãnh thổ Ukraine sẽ bị đánh thuế tại cửa khẩu vào Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.