EC lạc quan về triển vọng kinh tế của Eurozone bất chấp Brexit

Ủy ban châu Âu đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2017 lên mức 1,6%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó.
EC lạc quan về triển vọng kinh tế của Eurozone bất chấp Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong 2017 lên mức 1,6%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó.

Dự báo này phản ánh sự lạc quan của EC về triển vọng phát triển kinh tế của Eurozone bất chấp những rủi ro tiềm ẩn từ sự kiện Anh rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu, hay còn gọi là Brexit và chính sách bảo hộ của Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump.

Trong dự báo kinh tế mùa Đông, EC cho rằng kinh tế 19 nước khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm 2017 và tiếp tục tăng trưởng đạt 1,8% vào năm 2018. So với dự báo trước đó, cả hai con số dự báo trên đều được điều chỉnh tăng thêm 0,1%.

Trong báo cáo công bố cuối tháng 1 vừa qua, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết kinh tế khu vực Eurozone đã phục hồi mạnh hơn, với lạm phát tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm rưỡi.

Eurostat cho biết kinh tế Eurozone đã tăng trưởng 0,5% trong quý IV/2016, cao hơn dự báo tăng 0,4% của các nhà phân tích trước đó, Trong khi tỷ lệ lạm phát trong tháng Một tăng lên 1,8%, cao hơn đáng kể so với mức 1,1% của tháng trước đó; còn tỷ lệ thất nghiệp bình quân giảm xuống 9,6%, với mức giảm mạnh tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Cùng với sự khởi sắc của kinh tế khu vực, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức - nền kinh tế đầu tàu của Eurozone - cũng giảm xuống 5,9% trong tháng Một vừa qua. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 1990, khi nước Đức thống nhất.

Các số liệu tích cực trên sẽ gây sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc thu giảm dần quy mô các chương trình kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn về chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Eurozone như sự kiện Brexit và các động thái của chính quyền mới ở Mỹ cũng như một loạt các cuộc bầu cử quan trọng trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.