Trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm các hoạt động hỗ trợ tiền tệ đặc biệt đối với các nền kinh tế thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Thông tin trên đã được thành viên của ECB, bà Sabine Lautenschlaeger, đưa ra trong bài phát biểu ngày 24/1 tại thành phố cảng Hamburg, miền Bắc nước Đức.
Chuyên gia Đức này khẳng định kinh tế Eurozone đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực như niềm tin của người tiêu dùng không ngừng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Đây chính là cơ sở để bà lạc quan về khả năng ECB, cơ quan kiểm soát và điều tiết hoạt động tài chính của Eurozone, sớm ngừng các chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ đà tăng trưởng ở Eurozone, giúp các nước thành viên thoát khỏi tình trạng giảm phát trong giai đoạn khủng hoảng và duy trì được tỷ lệ lạm phát dưới mức 2%.
Tuy nhiên, bà Lautenschlaeger nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để ECB thay đổi chính sách hiện nay phụ thuộc vào sự tăng trưởng ổn định của khối này.
Làn sóng kêu gọi ECB chấm dứt các chính sách chính sách tiền tệ hỗ trợ Eurozone đặc biệt tăng mạnh sau khi số liệu hàng tháng cho thấy tỷ lệ lạm phát của các nước Eurozone đã tăng gần gấp 2 lần, lên 1,1% trong tháng 12/2016. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, ở mức 1,7%.
Trong cuộc họp báo tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết giá năng lượng biến động là nguyên nhân đẩy tỷ lệ lạm phát trong tháng 12 của Eurozone tăng trở lại và điều này cho thấy lạm phát cơ bản của các nước thành viên khối này còn thấp.
Do đó, ông khẳng định chưa đến thời điểm ECB ngừng các chính sách kích thích tiền tệ hỗ trợ Eurozone./.