Kể từ ngày 1/4, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bãi bỏ quy chế hạn ngạch sữa đã áp dụng 30 năm qua đối với các trang trại nuôi bò trên toàn lãnh thổ. Đây là quyết định nhằm gia tăng định hướng thị trường sữa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sữa theo nhu cầu thị trường.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/3, Ủy viên phụ trách Nông nghiệp của EU, ông Phil Hogan thừa nhận việc chấm dứt hệ thống hạn ngạch có hiệu lực từ 30 năm qua là một thách thức đối với người chăn nuôi khi họ phải đối mặt với biến động giá nhiều hơn và tình trạng sản xuất tập trung hơn.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng giúp người chăn nuôi tìm cách thích nghi với môi trường mới và ngành công nghiệp sữa sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi ở châu Á và vùng Viễn Đông.
Ông Phil Holgan cũng nhắc lại EC sẽ không khôi phục hạn ngạch sữa, mặc dù một số quốc gia như Pháp muốn thiết lập các cơ chế mới để quản lý khả năng khủng hoảng sản xuất thừa. Theo ông, chính sách nông nghiệp chung của EU (CAP) cung cấp cho các quốc gia thành viên công cụ cần thiết để làm giảm tác động của "những cú sốc" cho người chăn nuôi, đặc biệt thông qua hỗ trợ kép hoặc qua nguồn vốn phát triển nông thôn.
Về phần mình, EU sẽ tăng cường hệ thống quan sát đối với ngành sữa được thiết lập từ năm 2013 nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất sữa phản ứng tốt hơn đối với biến động thị trường cũng như dự đoán tốt hơn về tình hình thị trường.
Theo ủy viên Hogan, hiện EU đang đàm phán với Ngân hàng đầu tư châu Âu để tạo cơ chế bảo lãnh tín dụng cho phép nông dân được vay vốn trên 10 hoặc 12 năm, có tính đến việc tăng giá sữa. Dự kiến, việc đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm nay./.