EU bàn cách đảm bảo nguồn cung và khống chế giá năng lượng

27 quốc gia thành viên EU sẽ khẩn trương làm việc với EC về việc tự nguyện mua khí đốt, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hydro, đồng thời tận dụng sức nặng kinh tế của EU để đạt được ưu đãi về giá cả.
Toàn cảnh nhà máy điện than của Tập đoàn RWE ở Niederaussem, miền Tây Đức. Đức đã lựa chọn tập đoàn năng lượng RWE và Uniper để đặt 3 trạm khí tự nhiên hóa lỏng nổi. Những điểm này có thể tiếp nhận khí hóa lỏng từ các tàu chở dầu và đưa chúng trở lại dạng khí. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/3, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định trao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu (EC) điều phối mua lượng lớn khí đốt để đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết trong ngày họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo đã tập trung vào vấn đề năng lượng và bàn thảo các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt cho toàn châu lục nhằm chấm dứt phụ thuộc vào Nga.

27 quốc gia thành viên EU sẽ khẩn trương làm việc với EC về việc tự nguyện mua khí đốt, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hydro, đồng thời tận dụng sức nặng kinh tế của EU để đạt được ưu đãi về giá cả.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macro cho rằng phương thức mua hàng theo nhóm và gộp các hợp đồng dài hạn là công cụ tốt nhất để hạ giá mua nhiên liệu.

[Mỹ và EU công bố sáng kiến giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga]

Theo nhà lãnh đạo Pháp, EC có thể tổng hợp tới 75% lượng khí đốt mua vào bằng cách đàm phán lại các hợp đồng hiện có hoặc ký kết các hợp đồng mới.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh tới cơ chế mua hàng tự nguyện và loại trừ các đơn đặt hàng bên ngoài EC.

Các nhà lãnh đạo EU đang đẩy mạnh nỗ lực để nâng cao khả năng tự chủ và giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, quốc gia hiện cung cấp tới 40% tổng lượng khí đốt và 30% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của châu Âu. Theo thông báo mới đây, EU muốn giảm 2/3 lượng khí đốt từ Nga trong năm nay và đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Để đạt mục tiêu này, EC đã bắt đầu đàm phán với các nước sản xuất năng lượng chính như Na Uy, Qatar, Algeria; đồng thời đạt thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường cung cấp LNG cho EU. Bên cạnh đó, EC cũng đã ủy quyền cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thực hiện "các biện pháp ngoại lệ" để giảm giá khí đốt dùng cho sản xuất điện nhằm xoa dịu bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp tạm thời nhằm hạ nhiệt các cuộc biểu tình diễn ra ở Tây Ban Nha từ ngày 14/3 do giá nhiên liệu và phân bón tăng cao, đồng thời giúp Bồ Đào Nha ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, EU không ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga mà chỉ củng cố các biện pháp hiện có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục