Hàng năm trên toàn Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 89 triệu tấn thực phẩm bị ném vào thùng rác cho dù chúng vẫn có thể sử dụng được. Để giải quyết tình trạng lãng phí này, EU đã đề xuất bỏ nhãn ghi hạn trên một số sản phẩm còn có thể sử dụng được.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan Sharon Dyiksma đã đưa ra đề xuất bỏ hoàn toàn nhãn ghi thời hạn sử dụng khỏi bao bì các mặt hàng thực phẩm như mỳ ống, đồ hộp, càphê bột, bánh quy, phomát dạng cứng...
Theo bà Dyiksma, làm như vậy là để người tiêu dùng sẽ không bị áp lực phải vứt bỏ thực phẩm còn dùng được vào thùng rác.
Các Bộ trưởng Nông nghiệp EU đã nhất trí thành lập một nhóm công tác để soạn thảo các sửa đổi luật pháp của EU theo đề xuất trên.
Mặc dù Cộng hòa Séc không bác đề xuất này, song cũng lưu ý rằng an toàn của người tiêu dùng vẫn phải được đặt lên trên hết. Bộ trưởng Nông nghiệp Séc Marian Jurecka, cho rằng trước khi sửa đổi quy định về nhãn mác, cần phải chắc chắn rằng những tiêu chuẩn mới không đe dọa tới sự an toàn của người tiêu dùng cũng như tham khảo ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.
Hiện vấn đề lãng phí thực phẩm ở Séc đang được giải quyết thông qua hệ thống các ngân hàng thực phẩm theo cơ chế: Các siêu thị lớn cung cấp cho các ngân hàng thực phẩm những loại thực phẩm sắp hết hạn sử dụng, và những ngân hàng này sẽ phân phối các loại thực phẩm trên cho các tổ chức từ thiện để phát tới tay người vô gia cư, người nghiện ma túy, các trại trẻ mồ côi.
Theo ông Jurecka, vấn đề là ở chỗ hiện nay các công ty tài trợ phải đóng thuế VAT đối với sản phẩm mà họ cung cấp cho các ngân hàng thực phẩm.
Điều đó có nghĩa là đối với các doanh nghiệp bán lẻ thì việc làm từ thiện này không có lợi về mặt tài chính. Vì thế, giải pháp chính là việc sửa đổi luật về thuế giá trị gia tăng, nhưng trước hết, cần phải có cách ngăn ngừa để cơ chế thực phẩm từ thiện không bị lạm dụng./.