EU điều tra thương vụ khẩu trang của Bỉ và công ty Avrox

Bỉ chi gần 32 triệu euro mua 15 triệu khẩu trang vải của công ty Avrox để phân phát miễn phí cho người dân, sau đó, số khẩu trang này được phát hiện nhiễm các hạt nano bạc và titanium dioxide độc hại.
EU điều tra thương vụ khẩu trang của Bỉ và công ty Avrox ảnh 1(Nguồn: brusselstimes.com)

Ngày 4/5, Cơ quan tư pháp của Liên minh châu Âu (Eurojust) đã chỉ đạo tiến hành khám xét tại nhiều quốc gia trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến thương vụ khẩu trang giữa Bỉ và công ty Avrox có trụ sở tại Luxembourg.

Cuộc điều tra do Văn phòng Công tố Brussels (Bỉ) phối hợp với Văn phòng trung ương về chống tham nhũng (OCRC) thực hiện nhằm làm sáng tỏ việc làm giả, gian lận, rửa tiền và cản trở quyền tự do đấu thầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, thông báo của Văn phòng công tố Luxembourg cũng xác nhận việc tiến hành các cuộc khám xét tại quốc gia này do phía Bỉ đề xuất trong khuôn khổ yêu cầu hỗ trợ lẫn nhau của Ủy ban điều tra quốc tế (IRC).

Tháng 6/2020, Bỉ đã mua 15 triệu khẩu trang vải của công ty Avrox với giá gần 32 triệu euro theo cơ chế thị trường công để chính quyền liên bang phân phát miễn phí cho người dân thông qua các hiệu thuốc. Bộ Quốc phòng Bỉ là bên mở thầu.

[Bỉ khuyến cáo ngừng sử dụng khẩu trang do chính phủ phân phối]

Để đủ điều kiện tham gia đấu thầu, các công ty phải từng cung cấp ít nhất 250.000 khẩu trang vải có thể tái sử dụng cho một khách hàng khác.

Một số nhà thầu vào thời điểm đó đã bị loại khỏi thị trường công của Bỉ do không đáp ứng điều kiện.

Trong khi đó, công ty Avrox không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong ngành dệt may lại trúng thầu với bằng chứng đã cung cấp 1 triệu khẩu trang cho một nước khác trong năm 2020 nhưng không cho biết tên của khách hàng.

Tuy nhiên, Avrox không tuân thủ thời hạn giao hàng.

Sau đó, các cơ quan chức năng của Bỉ phát hiện số khẩu trang này nhiễm các hạt nano bạc và titanium dioxide độc hại. Vì thế, Bỉ đã khuyến cáo người dân không sử dụng những khẩu trang này và các kho của Bộ Quốc phòng Bỉ vẫn còn tồn đọng 6,6 triệu chiếc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.