EU dỡ bỏ các hạn chế về nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản

Sau khi hạn chế đã được dỡ bỏ, Nhật Bản vẫn phải tiếp tục giám sát hoạt động sản xuất trong nước đối với phóng xạ, trong đó có cá, các sản phẩm thủy sản, rong biển gần nơi xả nước làm mát bị ô nhiễm.
EU dỡ bỏ các hạn chế về nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản ảnh 1EU đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với thực phẩm từ Nhật Bản sau sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima. (Nguồn: Reuters)

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Nhật Bản, diễn ra hôm 13/7 ở Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursual von der Leyen cho biết cơ quan này đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với thực phẩm từ Nhật Bản sau sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, việc dỡ bỏ các biện pháp bắt nguồn từ kết quả tích cực của các cuộc kiểm tra do phía Nhật và các quốc gia thành viên EU thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu từ quốc gia này.

[Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng cấm nhập khẩu hải sản]

Kể từ khi áp dụng các hạn chế này vào năm 2011 nhằm bảo vệ sức khỏe con người trước nguy cơ ô nhiễm phóng xạ từ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, EC tiến hành xem xét hai năm một lần và dần dần được nới lỏng các biện pháp này khi rủi ro giảm đi.

Lần đánh giá cuối cùng diễn ra vào tháng 9/2021 và EC đã giới hạn các hoạt động kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nấm hoang dã, một số loài cá và thực vật hoang dã ăn được.

Sau khi các hạn chế đã được dỡ bỏ hoàn toàn, chính phủ Nhật Bản vẫn phải tiếp tục giám sát hoạt động sản xuất trong nước đối với phóng xạ, trong đó có cá, các sản phẩm thủy sản và rong biển gần nơi xả nước làm mát bị ô nhiễm.

Phát biểu với báo giới, Ủy viên châu Âu phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm, Stella Kyriakides nhận định kết quả kiểm soát thuận lợi trong những năm gần đây chứng tỏ cam kết và hợp tác mạnh mẽ của các đối tác Nhật Bản.

Các quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua quyết định dỡ bỏ các hạn chế này.

Trước đó, ngày 12/7, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ cấm ngay lập tức việc nhập khẩu hải sản từ 10 quận gồm Tokyo, Fukushima, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Gunma, Miyagi, Niigata, Nagano và Saitama, một khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Danh sách sản phẩm cấm nhập khẩu bao gồm tất cả các loại hải sản sống, đông lạnh, làm lạnh, sấy khô hoặc bảo quản khác, muối biển và rong biển sống hoặc đã qua chế biến.

Ngày 7/7, Hải quan Trung Quốc cho biết nước này sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số tỉnh của Nhật Bản vì lý do an toàn. Động thái này được đưa ra sau khi Nhật Bản thông báo kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

Trung Quốc cho biết nước này cũng sẽ xem xét nghiêm ngặt các giấy tờ đối với thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm hải sản, từ các vùng khác của Nhật Bản.

Lo ngại mức độ phóng xạ, Hàn Quốc cũng đã cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản. Ngày 3/7, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc cho biết lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ tỉnh Fukushima của Nhật Bản sẽ được áp dụng vô thời hạn cho đến khi người dân không còn lo ngại.

Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ thủy hải sản từ 8 quận xung quanh nhà máy Fukushima của Nhật Bản từ năm 2013 do những lo ngại về mức độ rò xỉ phóng xạ từ sự cố trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.