EU hỗ trợ các doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu sang Nga

Ủy ban châu Âu thông báo một loạt các biện pháp ngoại lệ hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi quyết định cấm nhập khẩu rau quả của Nga.
EU hỗ trợ các doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu sang Nga ảnh 1Quầy bán hoa quả tại Mátxcơva ngày 2/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/8, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo một loạt các biện pháp ngoại lệ hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi quyết định cấm nhập khẩu rau quả của Nga.

Chương trình hỗ trợ tổng trị giá 125 triệu euro (tương đương 170 triệu USD) này được thực hiện ngay và kéo dài cho đến cuối tháng 11, áp dụng đối với các mặt hàng cà chua, càrốt, cải trắng, hạt tiêu, súp lơ, dưa chuột, nấm, táo, nho...

Do lệnh cấm nhập khẩu của Nga, nhiều loại rau quả của châu Âu bị dư thừa trên thị trường nội địa trong điều kiện mùa thu hoạch đang vào cao điểm và thiếu điều kiện bảo quản lâu dài.

Đại diện EC Roger Waite cho biết việc hỗ trợ trên nhằm giúp giữ giá các loại rau quả trong khi các doanh nghiệp châu Âu cố gắng tìm kiếm thị trường thay thế. Theo đánh giá của ông, hỗ trợ từ EU có thể bù được 50% chi phí phân phối miễn phí các nông sản này đến người tiêu dùng châu Âu.

EU cũng khuyến cáo các nhà sản xuất không thu hoạch tập trung để giảm thiểu chi phí cũng như giảm tối đa lượng nông sản bị bán đổ bán tháo. Ngoài ra, EU cam kết sẽ theo dõi sít sao tình hình thị trường và có biện pháp bổ sung nếu cần thiết.

Đáp trả lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine, kể từ ngày 7/8, Nga đã cấm nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, rau quả, thịt gia cầm, cá, phomát, sữa và các sản phẩm sữa từ các nước EU, Australia, Canada, Na Uy và Mỹ.

Hiện EU chưa tính toán được thiệt hại từ lệnh cấm của Nga, tuy nhiên giới chuyên gia ước lượng EU sẽ mất trên 7 tỷ euro (tương đương 9,5 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Ngày 5/9 tới, các Bộ trưởng nông nghiệp EU sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận tìm kiếm thị trường cho hàng nông sản bị Nga cấm nhập khẩu.

Trước đó, EU cũng sẽ triệu tập một cuộc họp chuyên gia vào ngày 22/8 để đánh giá tình hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.