EU kêu gọi Tổng thống Mỹ Trump không rút khỏi Hiệp định Paris

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi Tổng thống Mỹ Donal Trump không rút Washington khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà Mỹ là một trong gần 200 nước đã ký kết vào năm 2015.
EU kêu gọi Tổng thống Mỹ Trump không rút khỏi Hiệp định Paris ảnh 1 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 1/6 kêu gọi Tổng thống Mỹ Donal Trump không rút Washington khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà Mỹ là một trong gần 200 nước đã ký kết vào năm 2015.

Lời kêu gọi trên được ông Tusk đưa ra trên trang mạng xã hội Twitter trong bối cảnh chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tại Brussels (Bỉ) vào ngày 2/6 tới nhằm tìm cách "lấp chỗ trống" nếu Mỹ rút khỏi hiệp định lịch sử này.

Các nguồn tin EU cho biết tại cuộc gặp tới, các lãnh đạo EU và Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy thực thi đầy đủ Hiệp định Paris cho dù Mỹ có tiếp tục tham gia hay không.

Hội nghị tại Brussels được cho là có thể đánh dấu một sự thay đổi bước ngoặt trong nền chính trị toàn cầu, với việc EU bỏ qua Mỹ để phối hợp với Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

[Các tập đoàn của Mỹ kêu gọi ông Trump không rút khỏi Hiệp định Paris]

Trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 1/6 trước khi sang Brussels, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bày tỏ cam kết "kiên định" thực thi Hiệp định Paris.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhận định việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ là "không thể chấp nhận được." Ông nhấn mạnh rằng hiệp định về chống biến đổi khí hậu này là "vì tương lai của người dân toàn cầu".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một nước rộng lớn ở châu Á, cũng cảnh báo nếu không hành động chống biến đổi khí hậu sẽ là "phạm tội về đạo đức." Về phần mình, Điện Kremlin khẳng định Hiệp định Paris sẽ kém hiệu quả nếu không có các nước chủ chốt tham gia.

Mỹ là nước thải khí carbon nhiều thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Lượng khí thải ở hai nước này chiếm 40% tổng lượng khí thải toàn cầu. Gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và nỗ lực nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.

Trong khi đó, ông Donald Trump từ khi tranh cử tổng thống đã thể hiện quan điểm phản đối Hiệp định Paris. Truyền thông Mỹ những ngày gần đây đưa tin Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc rút Mỹ khỏi hiệp định này.

Ông Donald Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc này vào lúc 19 giờ GMT ngày 1/6 (tức 2 giờ ngày 2/6 giờ Việt Nam).

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký năm 2015, theo đó 196 nước tham gia ký hiệp định cam kết nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - vốn là nguyên nhân làm Trái đất nóng lên, khiến băng tan ở các cực, mực nước biển dâng cao và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu.

Các lãnh đạo cam kết nỗ lực giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa và "tiếp tục nỗ lực" duy trì con số này ở mức 1,5 độ C./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục