Kinh tế và chống biến đổi khí hậu là tâm điểm hợp tác EU-Trung Quốc

Điểm đầu tiên trong chương trình nghị sự là quan hệ song phương, với trọng tâm là các vấn đề về thương mại và đầu tư, trong đó có nội dung quan trọng là đàm phán về một Hiệp định giữa EU-Trung Quốc.
Kinh tế và chống biến đổi khí hậu là tâm điểm hợp tác EU-Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, sẽ diễn ra trong hai ngày 1-2/6 tại thủ đô Brussels của Bỉ, tập trung vào các chủ đề thương mại, chống biến đổi khí hậu và vấn đề người di cư.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi chiến lược mới của EU và Trung Quốc được thông qua vào tháng Bảy nhằm tìm ra cách thức phù hợp và tận dụng sự hợp tác giữa hai bên để thúc đẩy lợi ích lâu dài cho công dân EU và Trung Quốc. Chiến lược hợp tác giữa EU và Trung Quốc còn nhấn mạnh đến các lợi ích mà sự hợp tác đó mang lại, cùng với việc tạo nên sự cạnh tranh công bằng giữa EU và Trung Quốc.

[EU và Trung Quốc cam kết hợp tác chống biến đổi khí hậu]

Điểm đầu tiên trong chương trình nghị sự là quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc, với trọng tâm là các vấn đề về thương mại và đầu tư, trong đó có nội dung quan trọng là đàm phán về một Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc.

Việc kết nối hai bên cũng sẽ có trong nội dung chương trình nghị sự và các nhà lãnh đạo cùng nhau đưa ra các ưu tiên để đạt tiến bộ về nền tảng kết nối EU-Trung Quốc. Mục đích của việc này là để phối hợp các chính sách về giao thông, cũng như xác định các dự án có chung lợi ích giữa châu Âu và Trung Quốc, dựa trên sự minh bạch và các nguyên tắc của cuộc chơi.

Các lãnh đạo EU-Trung Quốc cũng sẽ đề cập đến tình trạng sản xuất dư thừa trong lĩnh vực sắt thép và một số lĩnh vực khác tại Trung Quốc và những ảnh hưởng của chúng đến nền công nghiệp của EU.

Hai bên sẽ điểm lại công tác chuẩn bị cho Năm du lịch EU-Trung Quốc (2018), cũng như các hoạt động chung về quản trị đại dương, các ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực này với việc khởi động chương trình Năm EU-Trung Quốc xanh (2017).

Tiếp theo, hai bên sẽ đi sâu vào thảo luận về các thách thức hiện nay trên thế giới và trong khu vực, bao gồm các vấn đề như biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch và nhất là nội dung liên quan đến thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc và EU đánh giá hành động vì khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng sạch là cấp thiết hiện nay. Các lãnh đạo hai bên cũng sẽ bàn bạc về thúc đẩy hợp tác hai bên tại các diễn đàn đa phương như vấn đề người di cư, tổ chức G20 hay Chương trình 2030 cho phát triển bền vững.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh còn diễn ra Hội nghị doanh nhân EU-Trung Quốc lần thứ 12. Hội nghị thương mại này được Cơ quan kinh doanh châu Âu BusinessEurope và Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc (CCPIT) đồng tổ chức, tạo nên một nền tảng thương mại quan trọng nhất để làm cơ sở thảo luận về mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với châu Âu.

Với khoảng 500 người tham dự, hội nghị cũng là cơ hội thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nhân và các nhà lãnh đạo chính trị của cả EU và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.