EU khẳng định có đủ lượng khí đốt đến cuối mùa Đông 2022

EC đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030.”
EU khẳng định có đủ lượng khí đốt đến cuối mùa Đông 2022 ảnh 1Trạm tiếp nhận khí đốt của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Lubmin, Đức ngày 1/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định Liên minh châu Âu (EU) có đủ lượng khí tự nhiên hóa lỏng đến cuối mùa Đông này để không phải nhập khẩu từ Nga.

Phát biểu trên đài truyền hình ARD của Đức, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh mục đích của các lệnh trừng phạt là nhằm gây thiệt hại tối đa đối với Nga và giảm thiểu tác động đến các nền kinh tế phương Tây.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Grant Shapps cho biết Anh sẽ đẩy mạnh sản xuất dầu mỏ và khí đốt sau khi nước này tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay.

[EC hướng tới thay thế nguồn cung nguyên liệu hóa thạch của Nga]

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Bộ trưởng Shapps nhấn mạnh Anh không mua quá nhiều dầu mỏ và khí đốt từ Nga và nước này cũng có khả năng tự sản xuất, nên Anh hoàn toàn có thể tăng cường sản xuất mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Shapps cho rằng người dân Anh có thể chịu được tác động tài chính của của lệnh cấm trên.

Trước đó, EC đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030.”

Mục tiêu trên sẽ được thực hiện bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch.

Biện pháp này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm thực hiện.

Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU.

Cũng trong ngày 9/3, Nga đã cảnh báo phương Tây rằng Moskva đang xúc tiến đáp trả sâu rộng các biện pháp trừng phạt, theo đó sẽ diễn ra nhanh chóng và ở những lĩnh vực nhạy cảm nhất của phương Tây.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời Vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, ông Dmitry Birichevsky nhấn mạnh: "Phản ứng của Moskva sẽ nhanh chóng, thận trọng và nhạy cảm đối với những biện pháp trừng phạt mà nước này phải gánh chịu."

Ông cũng cho biết Nga đang giảm dần việc sử dụng đồng USD trong kho dự trữ và các khoản thanh toán với nước ngoài.

Trong tuyên bố khác, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt đối với hoạt động hàng không đe dọa sự an toàn của các chuyến bay chở khách của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.