EU lập cơ chế mua dầu của Iran nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ

Cơ chế thanh toán mới đã nhận được sự ủng hộ của năm nước còn lại bảo trợ cho thỏa thuận hạt nhân Iran, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.
EU lập cơ chế mua dầu của Iran nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực xây dựng một cơ chế cho phép mua dầu từ Iran, trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhằm vào Tehran từ ngày 4/11, nhất là đối với lĩnh vực dầu mỏ.

Tháng trước, EU đã công bố một kế hoạch đặc biệt nhằm thiết lập hệ thống thanh toán cho phép tiếp tục quan hệ thương mại và kinh doanh với Iran.

Ngày 1/11, người phát ngôn Cơ quan Đối ngoại EU Maja Kocijancic cho biết khối này đang trong quá trình đưa ra các biện pháp cần thiết. Cơ chế thanh toán mới đã nhận được sự ủng hộ của năm nước còn lại bảo trợ cho thỏa thuận hạt nhân Iran, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao ở Brussels thừa nhận rằng việc đưa vào áp dụng sẽ gặp khó khăn và cơ chế mới này chưa hoạt động được ngay vào ngày 5/11.

Ba nước EU ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran là Pháp, Anh và Đức cùng các nước khác muốn tiếp tục mua dầu của Iran. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết khối này muốn tránh một "cuộc đối đầu trực tiếp" với Mỹ về vấn đề Iran trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sắp diễn ra.

[Mỹ có thể miễn trừ trừng phạt những nước mua dầu mỏ của Iran]

Các kế hoạch EU liên quan vấn đề Iran được Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini ủng hộ, song vẫn đang tiến triển rất chậm chạp.

Một quan chức tham gia đàm phán cơ chế mới này đánh giá EU vẫn đang lưỡng lự, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch trên khá rủi ro vì các thành viên thực sự rất lo ngại việc phải đối đầu với Washington.

EU ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran được ký nhóm P5+1 (gồm năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Nga cùng với Đức) ký với Tehran năm 2015 để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui vào tháng Năm vừa qua.

Liên minh châu Âu dự kiến vào ngày 6/11 sẽ có một tuyên bố tái khẳng định sự hỗ trợ đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi Tehran thể hiện tiếp tục tôn trọng thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.