EU mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực

Phát biểu họp báo tại Jakarta trong chuyến công du tới Indonesia và Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EP khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác quan trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác.
EU mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu (EP) David McAllister. (Nguồn: Wikimedia Commons)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 22/2, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu (EP) David McAllister khẳng định Liên minh châu Âu (EU) coi Việt Nam là đối tác quan trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực.

Ghi nhận những thành tựu trong quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác song phương về môi trường và năng lượng, ông McAllister cho biết EU đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với quan hệ EU-ASEAN và hoan nghênh sự tham gia mang tính xây dựng của đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ EU-ASEAN tại Brussels (Bỉ) vào tháng 12 năm ngoái.

Phát biểu họp báo tại Jakarta trong chuyến công du Đông Nam Á từ ngày 20-24/2 tới Indonesia và Việt Nam, ông McAllister nhấn mạnh EU và ASEAN là hai tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Đặc biệt, hai bên cùng chia sẻ cam kết về chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.

[Việt Nam dẫn đầu khối ASEAN trong tổng nhập khẩu của EU]

Đề cập các nội dung đã được đoàn thảo luận trong chuyến thăm Jakarta từ ngày 20-22/2, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EP nhắc lại rằng EU ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Myanmar, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự nước này nghiêm túc thực hiện Đồng thuận 5 điểm đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EP nhấn mạnh rằng EU kiên định quan điểm về sự cần thiết đảm bảo luật pháp tại Biển Đông, cũng như tầm quan trọng mang tính sống còn của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và quyền tự do đi lại tại khu vực trung chuyển tới 30% khối lượng trao đổi thương mại hàng hải toàn cầu này.

Bày tỏ vui mừng về mối quan hệ kinh tế và thương mại đang tăng trưởng nhanh chóng giữa hai khu vực, ông McAllister lưu ý rằng EU không chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN, sau Mỹ và Trung Quốc, các công ty từ "Lục địa Già" cũng đứng thứ 2 về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN, giúp tạo nhiều việc làm trong hàng loạt lĩnh vực.

Năm 2022, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã mở văn phòng đại diện tại Jakarta nhằm tăng cường các hoạt động trong khu vực và ưu tiên tài chính cho hành động khí hậu, giao thông đô thị, chăm sóc sức khỏe, an ninh năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững tại Đông Nam Á.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EP, trong quá trình chuyển đổi xanh, các nước ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể liên quan đến biến đổi khí hậu như tình trạng sụt lún và ngập lụt ở các vùng đất ven biển.

Trong bối cảnh đó, EU đang tích cực hỗ trợ các nước ASEAN chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh hơn và sạch hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.