Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/1 đề xuất hợp đồng mới để Nga tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua hệ thống đường ống dẫn đi qua Ukraine từ năm 2020, đồng thời cho rằng nguồn cung khí đốt trong mùa Đông năm nay không gặp vấn đề gì lớn.
Phát biểu trước báo giới sau khi chủ trì các cuộc đàm phán tại Brussels (Bỉ) với các bộ trưởng của Nga và Ukraine cũng như đại diện các doanh nghiệp năng lượng liên quan, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết trong buổi làm việc, ba bên đã cho ý kiến về khung pháp lý cho thỏa thuận vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine sang châu Âu, các loại thuế và nhu cầu của EU trong tương lai.
Các bên cũng bàn luận về an ninh khí đốt trong mùa Đông 2019.
Ông Sefcovic khẳng định các cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp, trong tầm kiểm soát và vì thế việc cung cấp nhiên liệu cho mùa Đông này được cho là sẽ thuận lợi.
Phó Chủ tịch EC cũng cho biết đã đưa ra một đề xuất hợp lý bao gồm các điều khoản về thời hạn, khối lượng và các mức thuế áp dụng trong hợp đồng vận chuyển khí đốt, cùng với đó là các khoản đầu tư và bảo trì cho hệ thống.
Bản hợp đồng này đã được chuyển cho Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, cũng như lãnh đạo của các "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng Gazprom (Nga) và Naftogaz (Ukraine).
Chia sẻ trên Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Ukraine cho biết quốc gia này mong muốn có một hợp đồng theo luật của EU, trong khi phía Nga lại muốn một hợp đồng theo những quy định cũ.
Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho rằng các bên vẫn còn thời gian từ giờ tới cuối năm để thỏa thuận một hợp đồng trung chuyển có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
[Nga muốn đối thoại xây dựng với EU và Ukraine về trung chuyển khí đốt]
Dự kiến, các bên sẽ nhóm họp lần nữa vào tháng Năm tới để thảo luận về hợp đồng này sau cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine, diễn ra vào tháng Ba. Tuy nhiên, Ukraine bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sẽ trì hoãn để chờ đợi những thay đổi chính trị tại Kiev.
Tình hình căng thẳng quan hệ Nga-Ukraine gia tăng kể từ sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga năm 2014 cũng đe dọa việc cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu qua hệ thống đường ống dẫn tại Ukraine.
Trong quá khứ, căng thẳng trong giai đoạn từ 2006 tới 2009 cũng nhiều lần dẫn tới việc nguồn cung khí đốt từ Nga sang Ukraine bị gián đoạn trong mùa Đông, khiến châu Âu lâm vào tình trạng thiếu nhiên liệu, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ Nga./.