EU sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn với Cuba

EU có thể kiện Mỹ lên WTO hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả để bảo vệ các doanh nghiệp của mình ở Cuba, cho phép thực hiện các vụ kiện liên quan tới tài sản từng bị sung công tại Cuba.
EU sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn với Cuba ảnh 1Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong một tuyên bố mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Federica Mogherini, cho biết, EU có thể kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả để bảo vệ các doanh nghiệp của mình tại Cuba, sau khi Mỹ tuyên bố Đề mục 3 của Luật Helms-Burton năm 1996, cho phép thực hiện các vụ kiện liên quan tới tài sản từng bị sung công tại Cuba, sẽ có hiệu lực từ tháng Năm tới.

Theo bà Mogherini, EU xem việc áp dụng các lệnh cấm đơn phương là đi ngược lại luật pháp quốc tế và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp.

Bà Mogherini nói các biện pháp này có thể bao gồm việc kiện lên WTO hoặc sử dụng "Quy chế ngăn chặn," theo đó cho phép các công ty châu Âu bị kiện tại Mỹ đòi bồi thường thiệt hại từ phía nguyên đơn của Mỹ tại các tòa án ở EU.

Bà Mogherini cho biết, EU cũng sẽ kêu gọi sự ủng hộ từ các nước khác, dù không nêu tên các nước này.

Các công ty của châu Âu cũng như Canada đầu tư vào lĩnh vực du lịch và năng lượng của Cuba và quyết định của Tổng thống Mỹ có thể khiến các mối quan hệ căng thẳng hơn.

[EU và Cuba ký kết dự án về năng lượng lên đến 18 triệu euro]

Chính quyền của ông Donal Trump tháng trước đã dỡ bỏ lệnh cấm các công dân Mỹ kiện các công ty nước ngoài sử dụng các tài sản của người Mỹ bị Chính phủ Cuba tịch biên kể từ cuộc cách mạng năm 1959.

Luật Helms-Burton được ban hành năm 1996 và là một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba. Trong đó, Điều 3 cho phép các công dân Cuba có tài sản bị tịch thu, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường.

Dù vậy, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn đạo luật này đều miễn áp dụng Điều 3 theo thời hạn 6 tháng/lần.

Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày.

Từ ngày 4/3 vừa qua, áp dụng một phần và chỉ hoãn thi hành thêm 30 ngày. Tiếp đó, ngày 17/4 vừa qua, Mỹ tuyên bố Điều 3 của Luật Helms-Burton sẽ có hiệu lực từ ngày 2/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.