EU sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về việc thăm dò dầu khí ngoài khơi Cyprus

Thổ Nhĩ Kỳ biện minh rằng họ đang hoạt động trong các vùng biển thuộc thềm lục địa của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các khu vực người Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tài phán.
EU sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về việc thăm dò dầu khí ngoài khơi Cyprus ảnh 1Tàu thăm dò dầu khí Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở vùng biển ngoài khơi phía Tây Bắc quận Paphos của Cộng hòa Cyprus, ngày 24/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin ngày 11/11, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan đến hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi bờ biển Cyprus, qua đó thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản, song chưa công bố danh sách đối tượng chịu trừng phạt.

Quyết định này, phản ánh một bước thụt lùi lớn trong mối quan hệ của EU với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm trừng phạt Ankara xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Cyprus bằng việc khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi hòn đảo bị chia cắt này.

Động thái này được đưa ra sau khi các nước EU, trong một quyết định riêng rẽ khác, cam kết ngừng các thương vụ vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ do chiến dịch tấn công của Ankara tại Đông Bắc Syria vào tháng 10 vừa qua.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là ứng cử viên chính thức có nguyện vọng gia nhập EU, biện minh rằng họ đang hoạt động trong các vùng biển thuộc thềm lục địa của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các khu vực người Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tài phán.

Trong một tuyên bố, các bộ trưởng EU nêu rõ: "(Quyết định này) sẽ khiến EU có thể trừng phạt các cá nhân và thực thể chịu trách nhiệm hoặc liên quan tới hoạt động khoan thăm dò trái phép ở phía Đông Địa Trung Hải."

Theo 2 nhà ngoại giao EU, cách tiếp cận "cầm chừng" này trao do Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội chấm dứt cái EU gọi là các hoạt động khoan thăm dò bất hợp pháp trước khi bất kỳ biện pháp nào có hiệu lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.