EU tiếp tục phản ứng với đề xuất của Anh về tương lai công dân EU

Các nhà lãnh đạo EU tiếp tục đưa ra những phản ứng đối với đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May​ về quyền lợi của công dân EU tại Anh sau Brexit (Anh rời khỏi EU).
EU tiếp tục phản ứng với đề xuất của Anh về tương lai công dân EU ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 ngày tại thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo liên minh này tiếp tục đưa ra những phản ứng đối với đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May​ về quyền lợi của công dân EU tại Anh sau Brexit (Anh rời khỏi EU).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 23/6 tuyên bố đề xuất mà Thủ tướng Anh đưa ra cho các nhà lãnh đạo EU khác là "dưới mức mong đợi."

Ông Tusk nhấn mạnh quyền lợi của các công dân EU sống tại Anh sau khi nước này rời khỏi mái nhà chung EU là ưu tiên số một của 27 quốc gia thành viên còn lại của liên minh và EU đã thể hiện rõ quan điểm của mình. EU muốn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho công dân EU và công dân Anh sau Brexit.

Theo ông, đề xuất của Anh dưới mức mong đợi của EU và có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình của các công dân.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng những đề xuất của Thủ tướng Anh về bảo vệ quyền lợi của công dân EU tại Anh sau Brexit là "một khởi đầu tốt nhưng không phải là sự đột phá."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh những đề xuất của phía Anh chỉ ở mức "tối thiểu."

Thủ tướng Malta Joseph Muscat, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU đến cuối tháng 6 này, cũng cho rằng đề xuất của người đứng đầu Chính phủ Anh là một "khởi đầu tốt," có thể giảm thiểu một số rủi ro nhưng cần được xem xét cẩn thận và chi tiết.

[Người dân các nước thuộc EU được miễn cước chuyển vùng điện thoại]

Ông thể hiện quan ngại rằng công dân Anh và EU sẽ bị đối xử khác biệt theo những đề xuất của bà May, những đề xuất mà Chính phủ Anh sẽ bổ sung vào báo cáo được trình lên quốc hội nước này vào ngày 26/6 tới.

Do đó, ông đề xuất thiết lập một quy chế đặc biệt cho những người không phải là công dân EU nhưng có quan hệ với những kiều dân EU sống tại Anh.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Konrad Szymanski nhấn mạnh những đề xuất của Thủ tướng May về quyền lợi của công dân EU tại Anh trong tương lai khiến 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời. Ông cho biết Ba Lan đánh giá cao những đề xuất của bà May nhưng những đề xuất đó "không đầy đủ."

Về phần mình, Thủ tướng Anh vẫn bảo vệ những đề xuất mà bà đưa ra, cho rằng một số nhà lãnh đạo EU có phản ứng tích cực và bà mong muốn thỏa thuận này sớm được thực hiện.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, bà May thể hiện mong muốn các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU sẽ tiếp tục trên tinh thần xây dựng. Bà vẫn giữ quan điểm rằng những đề xuất mà bà đưa ra là "công bằng và rất nghiêm túc."

Trước đó, tại cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 22/6, bà Theresa May đã đưa ra đề xuất của Anh, theo đó cam kết 3 triệu công dân EU sinh sống hợp pháp tại Anh sẽ vẫn có quyền ở lại nước này thời hậu Brexit.

Đối với những công dân EU đã ở Anh được 5 năm sẽ được hưởng tất cả các quyền lợi như người Anh.

Theo Thủ tướng May, đề xuất của Anh nhằm tạo ra sự ổn định tốt nhất có thể cho những công dân EU sinh sống tại Anh để họ có tương lai nghề nghiệp, cũng như đóng góp được nhiều cho xã hội Anh.

Bà cho biết sẽ hủy bỏ mẫu hồ sơ 85 trang xin định cư tại Anh dành cho các công dân EU vốn bị chỉ trích là gây khó khăn cho người đứng đơn, thay vào đó sẽ là thủ tục đơn giản hơn.

Bà May cũng đề nghị quy chế tương tự cho hơn 1 triệu công dân Anh hiện đang sinh sống tại EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.