Vấn đề Brexit: Báo chí đánh giá Anh có những nhượng bộ đầu tiên

Báo chí Anh ngày 19/6 nhận định điểm chú ý trong ngày đàm phán đầu về Brexit, là việc Anh có sự nhượng bộ đáng kể khi tán thành với EU sẽ tạm gác lại các cuộc đàm phán thương mại tự do.
Vấn đề Brexit: Báo chí đánh giá Anh có những nhượng bộ đầu tiên ảnh 1Hai nhà đàm phán của phía EU Michel Barnier và phía Anh David Davis. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN)

Báo chí Anh ngày 19/6 nhận định rằng điểm đáng chú ý trong ngày đàm phán đầu tiên về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, là việc Anh đã có sự nhượng bộ đáng kể khi tán thành với EU rằng hai bên sẽ tạm gác lại các cuộc đàm phán thương mại tự do cho đến khi hai bên thương thảo xong "hóa đơn ly hôn" trị giá ước tính 100 tỷ euro.

Bên cạnh đó, Anh cũng nhất trí về cách thức đàm phán Brexit theo từng giai đoạn theo đề xuất của EU.

[EU và Anh thống nhất các ưu tiên và lịch trình đàm phán Brexit]

Tại một trong những cuộc đàm phán quốc tế được đánh giá là nhạy cảm về mặt chính trị nhất trong thời hiện đại, hai bên đã nhất trí dành ưu tiên cho các vấn đề chủ chốt là thanh toán hóa đơn ly hôn và quyền công dân (bao gồm quyền của 1,2 triệu công dân Anh tại EU và 3,5 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh), cũng như các vấn đề phức tạp khác trong giai đoạn đầu đàm phán như yêu cầu của EU về cơ cấu đàm phán (gồm lịch trình và cách thức tiến hành các cuộc đàm phán), hay việc làm thế nào để có thể tránh được vấn đề biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Các cuộc thương lượng liên quan đến vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland hứa hẹn sẽ không thể diễn ra nhanh chóng, mà sẽ được tiến hành thông qua một cuộc đối thoại riêng và diễn ra với tiến độ chậm hơn.

Sau cuộc đàm phán, ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU và ông David Davis, đại diện đàm phán Brexit về phía Anh, cho rằng một thỏa thuận Brexit là có thể đạt được, song hai nhà đàm phán này đều thừa nhận thực tế thời gian đàm phán khá hạn hẹp, khi theo lịch trình Anh sẽ rời EU vào tháng 3/2019.

Ông Barnier cũng nhắc lại quan điểm của EU rằng đối với cả EU và Anh, một thỏa thuận công bằng là nằm trong tầm với và tốt hơn so với việc không đạt được thỏa thuận nào.

Làm rõ hơn về các động thái của Anh trong cuộc đàm phán này, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, ông Davis cho hay sự nhượng bộ ban đầu này nằm trong chiến lược dài hạn của Chính phủ Anh, vấn đề không phải là bắt đầu mà là việc kết thúc nó như thế nào.

Ông cũng nhấn mạnh rằng sẽ chưa có gì được nhất trí cho tới khi mọi việc đạt được sự đồng thuận. Trước đó, phía Anh muốn tiến hành các cuộc đàm phán thương mại song song với việc thương thảo rời EU.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ đến Brussels (Bỉ) vào ngày 22/6 tới và bà sẽ đưa ra bản đề xuất mới về vấn đề quyền của các công dân EU đang sinh sống ở Anh.

Nguồn tin từ nội các Anh cho hay bản đề xuất được đánh giá là khá “hào phóng” dự kiến sẽ được công bố trên báo vào 26/6 tới. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo EU e ngại rằng những đề xuất này vẫn chưa thể đi xa được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.