EU-Trung Quốc đàm phán vòng hai về Hiệp định đầu tư

Trong hai ngày 24 và 25/3 tại Brussels, Liên minh châu Âu và Trung Quốc tiến hành vòng hai đàm phán về Hiệp định đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư song phương.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trong hai ngày 24 và 25/3 tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tiến hành vòng hai đàm phán về Hiệp định đầu tư, trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới trụ sở EU vào ngày 31/3 tới.

Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc nhằm thúc đẩy đầu tư song phương bằng cách mở cửa thị trường và thiết lập khung pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư, tăng cường an ninh pháp lý cũng như khả năng dự đoán đảm bảo cho mối quan hệ đầu tư lâu dài giữa EU và Trung Quốc phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với EU, hiệp định với Trung Quốc có tầm quan trọng lớn vì nó góp phần thắt chặt mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nền kinh tế. Một trong những ưu tiên của EU tại vòng đàm phán này là loại bỏ các trở ngại đối với nhà đầu tư châu Âu tại thị trường Trung Quốc.

Trong hai ngày, hai bên nêu rõ quan điểm của mình về những vấn đề chính của hiệp định.

Theo Ủy viên EU phụ trách thương mại Karel De Gucht, đầu tư luôn là động lực chính của mọi nền kinh tế, kích thích tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm.

Việc ký kết hiệp định đầu tư đầy tham vọng giữa EU và Trung Quốc sẽ là một bước quan trọng không chỉ đối với việc tiếp cận thị trường tốt hơn mà còn là một công cụ bảo vệ nhà đầu tư cũng như thắt chặt mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Đàm phán hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc được khởi động từ tháng 2/2012 tại Hội nghị thượng đỉnh của hai bên.

EU nhập phần lớn hàng hóa từ Trung Quốc còn thị trường Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của EU.

Trung Quốc xuất sang EU chủ yếu sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng. Trao đổi song phương trong lĩnh vực dịch vụ chỉ chiếm 1/10 tổng thương mại hàng hóa của Trung Quốc sang EU và 20% từ EU sang Trung Quốc.

Dòng vốn đầu tư cho thấy tiềm năng to lớn chưa được khai thác tương xứng với hai nền kinh tế.

Trung Quốc chỉ chiếm 2-3% tổng đầu tư của EU tại nước ngoài, trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào các nước EU đang tăng nhưng với mức độ thấp hơn.

Hiệp định đầu tư giữa EU và Trung Quốc sẽ góp phần khai thác tiềm năng này vì lợi ích của cả hai bên./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.