EU và Anh nỗ lực đạt được thỏa thuận hậu Brexit vào cuối tháng 10

Cuộc đàm phán thứ 9 diễn ra trong 4 ngày giữa Anh và EU sẽ tập trung vào những vướng mắc chính còn tồn tại như cạnh tranh công bằng hay đánh bắt cá.
EU và Anh nỗ lực đạt được thỏa thuận hậu Brexit vào cuối tháng 10 ảnh 1Cờ Anh (phải) và cờ EU tại London, Anh, ngày 17/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels,  Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh ngày 29/9 bắt đầu vòng đàm phán thứ 9 và cũng là cuối cùng, dự kiến sẽ thống nhất về mối quan hệ hai bên sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit).

Cuộc đàm phán trong 4 ngày sẽ tập trung vào những vướng mắc chính còn tồn tại như cạnh tranh công bằng hay đánh bắt cá.

Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU và người đồng cấp Anh, David Frost, cũng sẽ theo sát các cuộc thảo luận về những chủ đề khác như thương mại hàng hóa và dịch vụ, năng lượng và hợp tác tư pháp.

Liên quan đến cạnh tranh công bằng, EU muốn nước Anh cam kết và đảm bảo rằng các quy định của họ trong các lĩnh vực như viện trợ nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế không khác quá xa so với quy định của EU, ngay từ khi Vương quốc Anh tiếp cận thị trường châu Âu với tư cách là một nước bên ngoài khối.

[Vấn đề Brexit: Anh lạc quan sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với EU]

Brussels lo ngại việc nới lỏng các quy tắc của nước Anh trong các lĩnh vực nói trên, ngay cả khi quốc đảo sương mù tiếp tục trao đổi hàng hóa và dịch vụ với EU thông qua một thỏa thuận thương mại, có thể dẫn đến sự méo mó về thị trường và cạnh tranh.

Về phía mình, Chính phủ Anh cho rằng một nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của nước này.

Trong lĩnh vực thủy sản, mục tiêu cuối cùng của EU là duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể với mối quan hệ hiện đang có với phía Anh. Ngược lại, London dự định đàm phán hàng năm về hạn ngạch với các nước trong khối, tương tự như trường hợp của Na Uy.

Cả hai bên tuyên bố rằng họ đang hướng tới cùng một mục tiêu, đó là có một thỏa thuận vào cuối tháng Mười để cho phép tiến trình phê chuẩn của Quốc hội diễn ra, cả ở EU cũng như tại Anh.

Trong các giai đoạn trước của Brexit, quá trình này đã bị chậm trễ đáng kể do Hạ viện Anh nhiều lần bác bỏ.

Mục đích của việc đàm phán là để có một thỏa thuận sẵn sàng có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

Sau đó, Vương quốc Anh sẽ vĩnh viễn tách khỏi tất cả các thể chế cũng như luật pháp của EU để trở thành một quốc gia thứ ba.

Trước khi vòng đàm phán cuối về quan hệ EU-Anh trong tương lai bắt đầu, các thành viên của Ủy ban hỗn hợp về thực hiện Thỏa thuận để Anh rút khỏi EU đã nhóm họp vào 28/9 để thảo luận về đề xuất lập pháp gây tranh cãi của London nhằm sửa đổi một số phần của thỏa thuận này.

Cuộc họp Ủy ban do Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic, và Chánh văn phòng Nội các Anh Michael Gove, chủ trì.

Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic đã yêu cầu London rút lại vào cuối tháng Chín dự thảo luật, trong đó dự định sửa đổi điều khoản "chốt chặn" để tránh tình trạng tái lập biên giới "cứng" giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.

Ông Sefcovic nói rằng điều này gây nguy hiểm cho Thỏa thuận hòa bình trong khu vực.

Hiện tại, London từ chối rút lại dự luật của mình, mặc dù họ đã thừa nhận rõ ràng rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế và phải hứng chịu làn sóng chỉ trích cả ở trong cũng như ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.