Eurozone gia hạn chương trình cứu trợ thứ nhất cho Hy Lạp

Ngày 8/12, các bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thông qua đề xuất từ phía Hy Lạp về kéo dài chương trình cứu trợ thứ nhất dành cho nước này thêm hai tháng.
Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua dự thảo ngân sách 2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/12, các bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thông qua đề xuất từ phía Hy Lạp về kéo dài chương trình cứu trợ thứ nhất dành cho nước này thêm hai tháng.

Quyết định này cần sự chấp thuận của quốc hội các nước thành viên Eurozone mới có hiệu lực, dự kiến sẽ diễn ra trước cuối năm nay.

Chủ tịch Eurozone Jeroen Dijsselbloem cho biết hiện chưa đủ cơ sở để kết thúc đợt xem xét lần thứ năm, cũng là đợt xem xét cuối cùng việc giải ngân 1,8 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ thứ nhất trị giá 240 tỷ euro (294,8 tỷ USD) mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhất trí trao cho Hy Lạp năm 2010 trong khuôn khổ Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).

Vì lý do trên, Eurozone quyết định ủng hộ đề xuất của Hy Lạp kéo dài thêm hai tháng đối với chương trình cứu trợ này, lẽ ra sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2014.

Hy Lạp cần một đường hướng tín dụng mới sau khi tháng 10 vừa qua đề nghị chấm dứt hoàn toàn việc giám sát tài chính đối với nước này, một đề xuất khiến thị trường tài chính lo ngại và là nguyên nhân đẩy lãi suất vay mượn của Hy Lạp tăng lên mức nguy hiểm. Tuy nhiên, áp dụng đường hướng mới đồng nghĩa phải hoàn tất chương trình cứu trợ thứ nhất.

Trong bối cảnh Hy Lạp và "Bộ ba" chủ nợ - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF - còn đang tranh cãi về ngân sách năm 2015 của Xứ sở Thần thoại, việc kết thúc chương trình cứu trợ này trước ngày 31/12 theo kế hoạch là điều bất khả thi.

Trước đó, sáng 8/12, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2015 với tỷ lệ phiếu sít sao, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế nước này đạt 2,9% và thâm hụt ngân sách nhà nước giảm xuống còn 0,2%.

Giới chức Hy Lạp coi kết quả bỏ phiếu là một thắng lợi vì những tranh cãi về ngân sách mới từng đe dọa triển vọng nước này thoát khỏi chương trình cứu trợ thứ nhất và việc thông qua ngân sách mới là điều kiện để Athens được giải ngân phần cứu trợ 1,8 tỷ euro nói trên.

Trong khi đó, nhóm "Bộ ba" coi các ước tính của Athens về tăng trưởng kinh tế và thâm hụt ngân sách năm tới là quá lạc quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục