Chỉ nửa năm kể từ khi hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) có hiệu lực (ngày 14/1/2019), Việt Nam đã tiếp tục ký kết hai hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với liên minh châu Âu vào ngày 30/6/2019, gọi tắt là hiệp định thương mại tự do EVFTA và hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây cũng là hai hiệp định thương mại-đầu tư tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất, tiêu chuẩn cao nhất giữa Việt Nam - nền kinh tế đang phát triển năng động bậc nhất ở châu Á với Liên minh châu Âu - nền kinh tế phát triển và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.
Như vậy, bên cạnh hiệp định CPTPP thì cả EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp cả hai bên. Còn đối với Việt Nam, hai hiệp định không chỉ dừng lại ở việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, hoàn thiện thể chế và thu hút đầu tư, mà còn giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và có cơ hội tốt hơn để tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hãy cùng VietnamPlus đánh giá và phân tích sâu hơn sự tác động của hiệp định EVFTA và EVIPA với một số lĩnh vực, ngành hàng trong nước.
[Ký kết EVFTA-EVIPA: Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế Việt Nam-EU]
Bài 1 - EVFTA: Mở cánh cửa đề doanh nghiệp nâng tầm vị thế với thế giới
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức diễn ra tại Hà Nội, ngày 30/6.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai Hiệp định trên đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, khi có hiệu lực, hai Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối hai bên gần hơn nữa.
Nhiều dòng thuế giảm về 0%
Theo Bộ Công Thương, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
“Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ở chiều ngược lại, đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau bảy năm thì 91,8% số dòng thuế (tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU) được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu và sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
- Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng mạnh nhờ EVFTA:
Thêm nhiều lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể.
Hơn nữa, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Dẫn nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và 42,7% vào năm 2025 sau đó nâng lên mức 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020, nâng lên 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
“Những cam kết về dịch vụ-đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…,” lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam và là thị trường quan trọng của ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt.
Năm 2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU tăng 3% so với năm 2017, trong khi ở chiều ngược lại, EU cũng là thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam.
Theo ông, ngành chế biến gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, đồng thời sẽ được giảm giá máy móc, thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ EU.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cũng được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ EU. Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo ra môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU và Việt Nam nhiều hơn,” ông Quyền nói.
Trong khi đó, Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhìn nhận hiệp định EVFTA như một “cú hích” mới cho doanh nghiệp thủy sản.
“Bên cạnh những mặt hàng chế biến vẫn phải chịu thuế suất từ 3-5%, thì các mặt hàng mực, bạch tuộc, tôm, cá tra đều có những dòng hàng có lợi thế mà thuế xuất giảm về mức 0% ngay. Theo đó, hiệp định sẽ xóa bỏ ngay 50% dòng thuế, trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên, trong khi 50% còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 đến 5 năm,” đại diện VASEP nói.
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về sự lan tỏa của EVFTA và EVIPA:
“Lòng tin” - từ khóa mở cánh cửa EVFTA
Dù vậy, song hành với những cơ hội sẽ luôn bao gồm cả thách thức. Để được hưởng thụ những lợi ích mà Hiệp định EVFTA và EVIPA mang lại thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật, các tiêu chuẩn thực thi khắt khe, thậm chí là cả những hoạt động tranh chấp về thương mại, đầu tư…
Ông Phạm Văn Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cho rằng Liên minh châu Âu là thị trường khó tính và áp dụng những tiêu chuẩn rất cao đối với sản phẩm nhập khẩu, do vậy khi đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU sẽ là cơ hội giúp cho doanh nghiệp nâng cao kinh nghiệm quản lý, quản trị doanh nghiệp cũng như mở ra cơ hội vào các thị trường khác.
“Khi đã xuất khẩu được vào EU thì sản phẩm của Việt Nam cũng rất dễ vào các thị trường khác như các thị trường Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… bởi vì chúng ta đã có hệ thống quản lý rất tốt rồi thì các thị trường khác họ đều có thể lấy tiêu chuẩn EU để học đi theo. Khi chúng ta có được hệ thống quản lý chất lượng thì chúng ta bán được toàn thế giới …,” ông Cường nói.
Từ thực tế trên, ở góc độ vĩ mô, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.
Theo đó, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…
“Để tận dụng được ưu đãi từ hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Như vậy, việc thực thi EVFTA sẽ vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng đan xen cả thách thức. Nói như Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea thì hiệp định EVFTA tạo ra cầu nối, những quy định mang tính công bằng, minh bạch và “lòng tin” chính là từ khoá.
Ông cũng nhấn mạnh thêm, các hiệp định sẽ không thể thực thi được nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau, kể cả những người tiêu dùng, người lao động… vì có những tiêu chuẩn rất cao trong hiệp định EVFTA./.