Tạp chí Tri thức thế giới mới đây đăng bài viết với tựa đề “Ý nghĩa chiến lược của EVFTA đối với EU” của tác giả Lưu Minh Lễ, Phó Chủ nghiệm Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được ký ngày 30/6 sẽ còn phải trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ ở Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam để có thể chính thức có hiệu lực.
Việc có thể tự do tham gia vào một thị trường lớn và thống nhất như EU là cơ hội hiếm có của Việt Nam - quốc gia có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 240 tỷ USD, chưa bằng 1,3% GDP của EU.
Tuy nhiên, đối với EU, việc ký được hiệp định “tiêu chuẩn cao” này với Việt Nam - nền kinh tế đang phát triển - cũng là một thành tựu không nhỏ bởi EVFTA cũng có ý nghĩa chiến lược quan trọng trên 3 phương diện.
Thứ nhất, EVFTA sẽ giúp EU mở rộng thị trường tại ASEAN. Mặc dù quy mô kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, nhưng rất năng động. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân những năm gần đây đạt khoảng 7%, thương mại song phương với EU đã tăng từ hơn 11 tỷ euro năm 2009 lên 50 tỷ euro vào năm 2018.
Chính phủ Việt Nam dự tính nếu EVFTA có hiệu lực vào đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang thi trường EU sẽ tăng 20% trong năm 2020.
Nếu hiệp định này được thực hiện suôn sẻ và hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, nó sẽ có tác dụng điển hình đối với các nước ASEAN khác.
ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, sau Mỹ và Trung Quốc, nên EU luôn kỳ vọng đạt được Hiệp định Thương mại Tự do với ASEAN.
Thành công của các cuộc đàm phán song phương sẽ trở thành “hòn đá tảng” cho hiệp định EU-ASEAN. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia ASEAN thứ hai đạt được thỏa thuận với EU sau Singapore.
Bên cạnh đó, với hơn 95 triệu dân, Việt Nam cũng là thị trường có cũng có sức thu hút lớn, sau khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp EU sẽ quan tâm đầu tư tại đây, không chỉ ở thị trường địa phương, mà còn bao phủ khu vực sông Mekong.
Thứ hai, EVFTA giúp EU giành được lợi thế dẫn đầu trong cạnh tranh về quy tắc quốc tế. Là một tập thể gồm các nước phát triển, EU và các nước đang phát triển có nhiều sự khác biệt về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, khí hậu, quyền lao động, mua sắm chính phủ, y tế, thuốc men và quyền sở hữu trí tuệ... EU luôn cố gắng phổ biến các quy tắc của mình ra bên ngoài, nhưng hầu hết các nước đang phát triển khó có thể chấp nhận.
[Infographics] Ưu đãi thuế của EU dành cho hàng công nghiệp Việt Nam
Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã chấp nhận gần như hoàn toàn các "quy tắc quốc tế" này, đây là chiến thắng quan trọng đối với EU, giúp EU có thể “tự tin hơn” trong thúc đẩy các quy tắc này trên trường quốc tế.
Chẳng hạn về quyền lao động, cả hai bên sẽ chấp nhận các nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế, bao gồm những lao động có thể tự do tham gia công đoàn.
Về phương diện mua sắm chính phủ, các doanh nghiệp EU sẽ có cơ hội như các doanh nghiệp địa phương. Trong lĩnh vực như ôtô, dược phẩm, Việt Nam công nhận các tiêu chuẩn an toàn của EU...
Thứ ba, EVFTA sẽ giúp EU tăng thêm sức nặng trong cuộc chơi với các nước lớn. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU, nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, hai bên đã liên tục mâu thuẫn với nhau. Quan hệ Mỹ-EU đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chủ nghĩa đa phương của EU và chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump tồn tại sự khác biệt lớn.
Về vấn đề kinh tế và thương mại, hai bên liên tục mâu thuẫn trong các vấn đề thuế quan đối với thép và nhôm, nông sản, chính sách trợ cấp cho Boeing và Airbus.
Trong tình hình này, nếu EU có thể đạt được tiến bộ quan trọng trong đàm phán với các nền kinh tế khác thì sẽ nắm quyền chủ động hơn trong cuộc chơi với Mỹ.
Về quan hệ với Trung Quốc, mặc dù sự hợp tác chung giữa hai bên diễn ra thuận lợi, nhưng EU vẫn luôn phàn nàn về các vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu chuẩn lao động, mua sắm chính phủ và trợ cấp chính phủ. Do kỳ vọng của hai vẫn có sự khác biệt lớn, nên các cuộc đàm phán thương mại tự do vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự.
Đối với EU, việc có thể ký được thỏa thuận "tiêu chuẩn cao" với Việt Nam là một thành tựu lớn, thậm chí có thể coi là một tham chiếu vào đàm phán với Trung Quốc trong tương lai.
Tóm lại, tuy quy mô kinh tế của Việt Nam tương đối nhỏ, nhưng việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam là một thắng lợi quan trọng của EU trong việc thúc đẩy chiến lược tự do thương mại, đồng thời cũng có ý nghĩa chiến lược nhất định đối với khối này./.