EVFTA: ‘Lực hút’ FDI để ngành dệt may bù đắp nguồn cung thiếu hụt

Theo đại diện Vitas, 3 năm gần đây đã có nhiều doanh nghiệp EU đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam để đón đầu các cơ hội mà hiệp định EVFTA mang lại.
EVFTA: ‘Lực hút’ FDI để ngành dệt may bù đắp nguồn cung thiếu hụt ảnh 1Ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra đột phá về năng suất lao động cho ngành dệt may. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Không chỉ mở ra nhiều cơ hội về thị trường mà hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ tạo ra lực hút để ngành dệt may Việt Nam đón cơ hội đầu tư nhiều hơn từ các doanh nghiệp châu Âu.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại tọa đàm “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu,” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/8.

[Hiệp định EVFTA: Tối đa hóa lợi ích cho ngành dệt may]

Thị trường trọng điểm của dệt may

Thông tin thêm, theo ông Vũ Đức Giang, ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 42%, tiếp đến là EU với thị phần khoảng 21,5%, Nhật Bản chiếm 19,5%, Hàn Quốc chiếm 14%...

Dù đứng thứ 2, song theo ông, EU vẫn là thị trường có tính chiến lược, trọng điểm và lâu dài của ngành dệt may Việt Nam vì dòng hàng vào EU có giá trị gia tăng cao hơn một số nước khác. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường có mối quan hệ truyền thống, ổn định với doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, người tiêu dùng châu Âu cũng có những lựa chọn khắt khe hơn và đây sẽ là lợi thế cho Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng cao cấp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá rất cao hiệp định thương mại tự do được ký với EU, bởi không chỉ là thị trường lớn mà EU còn rất hấp dẫn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Dẫn số liệu nghiên cứu mới đây, đại diện VCCI cho hay, trong năm 2018, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU đạt con số 5,6 tỷ USD, song cũng chỉ chiếm 2,02% tổng nhập khẩu của EU đối với mặt hàng này.

Vì vậy theo bà Trang, đây sẽ là dư địa rất lớn cho dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

- Xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong 7 tháng:

Bù đắp nguồn cung thiếu hụt

Mặc dù cơ hội rất lớn, song ở góc độ vĩ mô, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra những thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Dẫn chứng từ việc dịch chuyển nhanh và mạnh của nhà đầu tư thời gian vừa qua, ông Thái cho rằng, nếu không thành lập được chuỗi cung ứng bền vững thì chắc chắn sẽ khó “níu chân” được doanh nghiệp ngoại.

Với thực tế ở Việt Nam, ông Thái chia sẻ thêm, khi chi phí lao động tăng lên hoặc môi trường đầu tư không hấp dẫn, chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sang các nước khác.

“Do vậy, việc tạo ra một thị trường mang tính ổn định rõ ràng sẽ giúp chúng ta có điều kiện đầu tư và tham gia chuỗi cung ứng sâu hơn và giá trị tạo ra cũng lớn hơn,” ông Lương Hoàng Thái nói.

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu dệt may chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng để khẳng định được vị thế hiện nay, theo ông Vũ Đức Giang, các cơ quan chức năng cần hoạch định chiến lược về phát triển các khu công nghiệp, phát triển nguồn cung thiếu hụt cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể đáp ứng các điều khoản của hiệp định thương mại tự do.

Nhấn mạnh về EVFTA, ông Giang cho rằng, hiệp định sẽ tạo ra lực hút rất lớn trong việc thu hút đầu tư. Thể hiện rõ nhất là trong 3 năm gần đây đã có nhiều doanh nghiệp EU đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam để đón đầu các cơ hội mà hiệp định mang lại.

Quan trọng hơn, việc đầu tư từ châu Âu cũng giúp ngành dệt may Việt Nam có thể bù đắp nguồn cung thiếu hụt ở trong nước.

Đại diện Vitas cho biết thêm, trong lĩnh vực dệt may, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo cho mục đích xanh, sạch. Thậm chí, trong lĩnh vực dệt nhuộm, nhiều doanh nghiệp không cần đến nước mà sử dụng hơi để sản xuất qua đó bảo vệ môi trường tốt hơn.

“Thực tế là giá trị xuất khẩu dệt may luôn duy trì tăng trưởng 2 con số với giá trị thăng dư ngày càng cao,” ông Vũ Đức Giang chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.