EVN nghiên cứu phát triển thêm một số dự án thủy điện mới

Việc nghiên cứu phát triển một số dự án thủy điện mới sẽ được hoàn thành trong năm 2015 để triển khai chuẩn bị đầu tư vào năm 2016.
EVN nghiên cứu phát triển thêm một số dự án thủy điện mới ảnh 1Một công trình thủy điện trong quá trình xây dựng. (Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang rà soát hiện trạng các dự án thủy điện đã quy hoạch, đang đầu tư xây dựng và đã vận hành để nghiên cứu phát triển thêm các dự án thủy điện mới có hiệu quả kinh tế-tài chính và ít ảnh hưởng tác động đến môi trường.

Dự kiến, việc nghiên cứu phát triển một số dự án thủy điện mới sẽ được hoàn thành trong năm 2015 để triển khai chuẩn bị đầu tư năm 2016.

Đây là bước triển khai của EVN thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Trên thực tế, EVN đã và đang đầu tư xây dựng 36 dự án thủy điện với tổng công suất 12.737MW, trong đó có 29 dự án đã đưa vào vận hành với tổng công suất 10.346MW và 7 dự án đang xây dựng với công suất 2.391MW là Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đa Nhim mở rộng và Thác Mơ mở rộng.

Các dự án thủy điện cho Tập đoàn làm chủ đầu tư đều là các dự án có công suất lắp máy từ 60MW trở lên, nằm trên các hệ thống sông theo quy hoạch bậc thang thủy điện đã được Bộ Công Thương thẩm tra và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá về việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trong thời gian qua, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết các dự án đã hoàn thành và đang thi công đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng; đồng thời theo các luật định, các nghị quyết, Nghị định của Quốc hội và Chính phủ; các quyết định, thông tư của các bộ ngành từ việc đánh giá tác động môi trường, quy hoạch di dân tái định canh định cư, quy trình vận hành hồ chứa đến hiệu quả phát điện, phòng lũ, giảm lũ, tạo nguồn cấp nước cho hạ du... Trong số 36 dự án, có 11 dự án do tư vấn nước ngoài trực tiếp giám sát thi công và 7 dự án có tư vấn nước ngoài hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác giám sát hoặc hỗ trợ tư vấn trong nước giám sát thi công.

Kết quả kiểm tra và đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy định kỳ hàng năm, trước và sau mùa lũ, các đơn vị quản lý vận hành đã kiểm tra, đánh giá tình trạng công trình, thiết bị, tình hình sạt lở vùng hồ và có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời bảo đảm đủ điều kiện đưa công trình, hồ chứa vào hoạt động an toàn trong mùa mưa bão. Trước mùa lũ hàng năm, các đơn vị cũng xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ.

Thực hiện nhiệm vụ điều tiết chống lũ, các đơn vị trong EVN đã thực hiện nghiêm công tác báo cáo và cung cấp các thông tin về vận hành hồ chứa tới các cơ quan, đơn vị liên quan các số liệu về hồ chứa... để các bộ ngành chức năng kịp thời nắm bắt phục vụ cho chỉ đạo cũng như phối hợp điều tiết xả lũ hồ chứa.

Sau mỗi trận lũ và sau cả mùa lũ, các đơn vị đều chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra thiệt hại vùng hạ du, sửa chữa những hư hỏng đe dọa đến sự ổn định, an toàn, độ tin cậy của công trình và thiết bị.

Để bảo vệ môi trường xung quanh các công trình thủy điện, EVN xác định việc trồng cây hoàn trả mặt bằng thi công, trồng bù rừng là trách nhiệm của tập đoàn đối với cộng đồng, đất nước. Căn cứ các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, tổng diện tích rừng trồng bù của các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư hoặc có cổ phần khoảng 13.063ha.

Về vấn đề này, ông Dương Quang Thành cho biết EVN đã và đang chỉ đạo các ban quản lý dự án, các công ty thủy điện trồng rừng thay thế theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như các dự án thủy điện Sông Hinh, Quảng Trị, A Vương, Sông Ba Hạ, Sông Bung 4, Bản Vẽ, Sông Tranh 2. Các dự án còn lại như thủy điện Đồng Nai 3, 4, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah... đang tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và quy hoạch của các tỉnh.

Mặt khác, thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ quy định các nhà máy thủy điện phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng, trong những năm qua, các nhà máy thủy điện của EVN đã trả phí dịch vụ môi trường rừng cho địa phương thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của 29 tỉnh, góp phần nâng mức khoán bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo tại địa phương có công trình. Riêng năm 2014, mức trả phí vào khoảng 1.192 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng so với mức thực hiện năm trước.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ năm 2006 đến nay, hệ thống các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng chống lũ và cấp nước cho đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; đồng thời phối hợp vận hành xả nước hàng năm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân của Đồng bằng Bắc bộ với tổng dung tích từ 3-5 tỷ m3.

Đặc biệt, trước hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn, EVN đã phối hợp với các địa phương điều hành hợp lý chế độ làm việc của các nhà máy thủy điện, góp phần đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương tổ chức về việc triển khai Nghị quyết 11, đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập, EVN cho biết khó xác định ranh giới vùng ảnh hưởng ở hạ du đập, đặc biệt đối với nhiều đập của nhiều chủ đầu tư xây dựng trên cùng một lưu vực sông; chưa đồng bộ trong việc điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực cùng tham gia xả lũ...

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai đầu tư dự án thủy điện là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Các chuyên gia năng lượng cho rằng các dự án điện với quy mô lớn thường gắn liền với khối lượng bồi thường di dân tái định cư lớn, phức tạp và liên quan đến nhiều tỉnh, nhiều địa phương, mà các dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu là những ví dụ. Do vậy, để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư thường kéo dài nhiều năm, hoặc cùng một dự án điện nhưng phải áp dụng theo các quyết định của các tỉnh, các địa phương. Trong bối cảnh Nhà nước có nhiều điều chỉnh về chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ, nhiều thay đổi về đơn giá..., những yếu tố này đã gây nên những khó khăn nhất định trong công tác giải phóng mặt bằng công trình và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án. Từ đó, chi phí cho công tác này cũng thường tăng cao và ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Việc thực hiện trồng bù rừng của EVN đến nay mới đạt hơn 1.560ha, chủ yếu theo phương án chuyển tiền để địa phương tổ chức thực hiện, ông Thành cho rằng việc chậm trễ do một số nguyên nhân, trong đó một số địa phương chưa chỉ được quỹ đất làm cơ sở lập phương án trồng bù rừng; phương án trồng bù chậm được phê duyệt do chưa thống nhất được đơn giá. Hoặc cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế tại các địa phương chưa thống nhất…

Để khai thác tối ưu nguồn năng lượng thủy điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới, đặc biệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11, EVN đang tập trung đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ quản lý vận hành các dự án thủy điện và đầu tư trang thiết bị cần thiết đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, an toàn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình vận hành.

Cùng với việc chủ động kiểm tra, đánh giá đối với các công trình thủy điện đã và đang triển khai xây dựng về đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, thời gian tới, EVN sẽ cùng phối hợp với Bộ Công Thương chú trọng rà soát các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp nhằm đảm bảo an toàn đập, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến hạ du.

Đối với các dự án đã đi vào vận hành, theo ông Thành, EVN sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát về an toàn đập, hồ chứa thủy điện; rà soát các hồ, đập thủy điện xung yếu, duy tu sửa chữa kịp thời các hệ thống liên quan đến an toàn công trình, đề xuất các giải pháp ứng phó sự cố, đặc biệt trong mùa lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.