EVN: Sau nhiều năm, lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc vượt miền Nam

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lần đầu tiên trong nhiều năm, lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc đã vượt qua miền Nam, lên đến 245 triệu kWh.
EVN: Sau nhiều năm, lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc vượt miền Nam ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: EVN)

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lần đầu tiên trong nhiều năm, lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc đã vượt qua miền Nam.

Ước tính, sản lượng điện tiêu thụ miền Bắc đạt 245 triệu kWh trong khi miền Nam chỉ là 239 triệu kWh, nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt ở phía Bắc khiến nhu cầu dùng điện tăng đột biến.

Thông tin trên được ông Nguyễn Tài Anh đưa ra tại buổi giao ban về sản xuất, kinh doanh do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/6, tại Hà Nội.

Báo cáo thêm, ông Tài Anh cho biết, trong tháng Năm, sản lượng điện ước đạt 13,77 tỷ kWh, tăng 8,7% so với tháng 5 năm 2014. Tính chung 5 tháng ước đạt trên 64,1 tỷ kWh, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2014.

"Dù tiêu thụ tăng cao nhưng EVN đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trong tháng Năm và 5 tháng đầu năm," ông Tài Anh nói

Trong khi đó, sản lượng điện truyền tải qua đường dây Bắc-Nam trong tháng Năm cũng rất cao, nguyên nhân là do một số nhà máy điện vận hành không tin cậy dẫn đến phải tăng truyền tải trên đường dây này.

Cụ thể, sản lượng đạt cao nhất trong tháng Năm lên đến 54 triệu kWh/ngày và công suất tăng lên 3.400 MW/ngày. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu điện, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, EVN yêu cầu dừng toàn bộ công tác bảo dưỡng, sửa chữa trên hệ thống điện theo kế hoạch để đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt.

Về công suất điện cao nhất trong tháng 5 đạt mức 25.193 MW, hiện công suất khả dụng là 27.000 MW. Tuy nhiên lãnh đạo EVN cũng khẳng định, chắc chắn các tháng cuối năm sẽ hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.

Để đảm bảo điện cho Miền Nam, lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương mở rộng đầu tư cho nhà máy thủy điện Yaly (công suất 360 MW), theo ông, sau khi phân tích hệ thống, miền Nam thiếu công suất đỉnh nên việc mở rộng công suất một số nhà máy điện là cần thiết, đặc biệt là việc mở rộng thủy điện Yaly sẽ góp phần giảm tải việc cung cấp điện cho khu vực này, do vậy EVN đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương để đưa dự án này vào Tổng sơ đồ điện nhằm triển khai sớm trong năm nay.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết, dự kiến ngày 20/6 sẽ đóng ống tích nước cho thủy điện Lai Châu (công suất 1.200 MW) như vậy là vào trước tiến độ 1 năm (dự kiến vào 2016 mới đóng điện).

Thông tin thêm về tổn thất điện năng, ông Tài Anh cho biết, nhờ cải tiến kỹ thuật nên trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ tổn thất điện chỉ ở mức 7,95%, giảm so với năm ngoái là 0,89%.

Ngoài ra, lãnh đạo EVN cho biết đã hoàn thành việc kiểm soát tro bụi phát tán tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, đồng thời EVN đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án nhiệt điện khác để đảm bảo môi trường.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với các địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lai Châu... nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, giúp đảm bảo tiến độ cung cấp điện.

"Một số dự án điện ngoài EVN như BOT đang chậm tiến độ rất nhiều, Bộ cần có biện pháp để xử lý chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ, như thay nhà thầu," ông Tài Anh nêu ý kiến.

Tại buổi giao ban, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc EVN kiểm soát được tỷ lệ tổn thất điện đồng thời yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp với EVN để đảm bảo cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất trong bối cảnh nắng nóng tăng cao.

Thứ trưởng cũng lưu ý, việc truyền tải và phát điện cần đảm bảo an toàn về lưới trong những giai đoạn cao điểm của mùa khô cũng như đảm bảo cân bằng nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.