Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa ra Nghị quyết số 32-NQ/ĐU về việc tập trung hoàn thành toàn diện Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020.
Theo Nghị quyết này, EVN sẽ tập trung đảm bảo nguồn vốn đầu tư xây dựng và các giải pháp đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện, lưới điện.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn và lưới điện, EVN sẽ tập trung đảm bảo tiến độ, hoàn thành đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 với 21 tổ máy thuộc 12 dự án và khởi công xây dựng 8 công trình nguồn điện, với tổng công suất 5.540MW.
Cụ thể, EVN phấn đấu hoàn thành phát điện trong năm 2020 gồm: dự án thủy điện Thượng Kon Tum (2x110MW); 4 dự án điện Mặt Trời, tổng công suất 249MWp: Phước Thái 1, Phước Thái 2, Phước Thái 3, Sê San 4.
Cùng với đó, EVN sẽ khởi công các dự án nhiệt điện Quảng Trạch I (2x600MW), thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW); đẩy nhanh tiến độ thi công xử lý đường hầm Dự án thủy điện Đa Nhim mở rộng (80MW) để phát điện năm 2021.
Ngoài ra, EVN cũng đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án, phấn đấu năm 2021 khởi công 2 dự án thủy điện Ialy mở rộng và Nhiệt điện Ô Môn IV; tiếp tục triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn III (theo hướng sử dụng vốn ODA), các dự án nhiệt điện Dung Quất I & III, thủy điện Trị An mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch II và các dự án tại Trung tâm Điện lực Tân Phước.
Với các dự án đầu tư lưới điện, EVN đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành 244 công trình lưới điện từ 110-500kV (gồm 22 công trình 500kV, 44 công trình 220kV và 178 công trình 110kV); khởi công 217 công trình lưới điện 110-500kV (gồm 7 công trình 500kV, 37 công trình 220kV và 173 công trình 110kV).
[Điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: Không phải là tăng giá]
Đặc biệt, EVN tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện đồng bộ với các nhà máy, các dự án lưới điện cấp bách để cấp điện cho miền Nam, cấp điện cho Hà Nội.
Để đảm bảo tiến độ các dự án, EVN cũng đang tập trung mọi nguồn lực, huy động nguồn vốn; trong đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư của toàn Tập đoàn năm 2020 là 93.216 tỷ đồng.
Với tổng nhu cầu vốn lớn, đây sẽ là áp lực cho EVN bởi theo Nghị quyết 32 của Tập đoàn này, EVN đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài, có kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay ODA theo tiến độ đã ký kết trong hiệp định vay vốn.
Đồng thời, Tập đoàn cũng đa dạng các hình thức huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện; chủ động xây dựng, tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các đối tác thương mại; sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện di dân tái định cư các công trình nguồn điện và các chương trình mục tiêu cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo.
Hơn nữa, Tập đoàn tập trung nguồn lực hoàn thành sớm các dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng, đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng- Dốc Sỏi-Pleiku 2... các dự án lưới điện cấp bách cấp điện cho miền Nam, giải tỏa công suất điện mặt trời, thủy điện nhỏ, mua điện Trung Quốc, Lào, cấp điện cho Hà Nội...
Ngoài ra, EVN sẽ thường xuyên rà soát quy hoạch để đảm bảo đầu tư xây dựng các dự án điện đạt hiệu quả cao, giảm áp lực thu xếp vốn đầu tư xây dựng và góp phần giảm chi phí giá thành.
Các dự án đầu tư xây dựng thu xếp được vốn mới được phép khởi công; tập trung đầu tư vào các dự án điện quan trọng cấp bách, đề xuất điều chỉnh tiến độ đối với các dự án khác, đảm bảo hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu phát triển phụ tải.
Mặt khác, nhằm đảm bảo chất lượng công trình theo đúng thiết kế, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư xây dựng, Tập đoàn còn tập trung rà soát tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành; kiểm soát chặt chẽ tất cả các bước trong hoạt động đầu tư xây dựng từ chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng và nghiệm thu bàn giao./.