EXPO 2015 mở ra cơ hội để thắt chặt quan hệ Italy-Trung Quốc

Chủ tịch Tổng các Hiệp hội Italy về doanh nghiệp, hoạt động chuyên nghiệp và lao động (Confcommercio) nhận định EXPO 2015 là "cơ hội để thắt chặt quan hệ Italy-Trung Quốc."
EXPO 2015 mở ra cơ hội để thắt chặt quan hệ Italy-Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Confcommercio Carlo Sangalli. (Nguồn: ansamed.info)

Ông Carlo Sangalli, Chủ tịch phòng thương mại Milan kiêm Chủ tịch Tổng các Hiệp hội Italy về doanh nghiệp, hoạt động chuyên nghiệp và lao động (Confcommercio) nhận định EXPO 2015 là "cơ hội để thắt chặt quan hệ Italy-Trung Quốc."

Tuyên bố này được đưa ra ở Milan, khi giới doanh nghiệp Italy gặp các đại diện của phòng Thương mại Trung Quốc trong chuyến thăm khu triển lãm thế giới EXPO 2015, hiện tại đang trong quá trình gấp rút hoàn tất để kịp khai mạc vào ngày 1/5 tới.

Theo số liệu của Confcommercio, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Lombardy, vùng kinh tế phát triển nhất Italy, đã phát triển một cách ấn tượng, với mức tăng trưởng 5% trong 9 tháng đầu năm 2014, đạt 10 tỷ euro. Xuất khẩu của vùng này sang Trung Quốc cũng tăng 7%.

Trong khi đó, quan hệ thương mại Italy-Trung Quốc được cho là đang trên đà bùng nổ. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 70 tỷ euro, đưa Italy trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU).

Hồi tháng 10/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã sang thăm Italy và ký kết các hiệp định kinh tế trị giá 8 tỷ euro, với các hợp tác trong nhiều khu vực, chủ yếu là năng lượng và cơ khí.

Trong năm 2014, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã chi 5 tỷ euro để mua cổ phần trong nhiều tập đoàn lớn của Italy.

Trước chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng đã thăm Bắc Kinh vào tháng 6/2014, ký kết 10 hiệp định thương mại với Trung Quốc.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Italy và Trung Quốc, Chính phủ Italy cũng khẳng định rằng, họ sẽ ủng hộ việc ký Hiệp định thương mại tự do của EU với Trung Quốc, đồng thời tuyên bố muốn trở thành một thành viên sáng lập và góp vốn của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.