Ngày 14/5, Tòa án Tối cáo Ireland đã bác đơn kiến nghị của Facebook yêu cầu ngăn chặn một cuộc điều tra nhằm vào công ty này được cho là có thể dẫn tới nguy cơ dừng chuyển dữ liệu từ Liên minh châu Âu (EU) về Mỹ.
Thông báo của thẩm phán David Barniville nêu rõ ông bác bỏ mọi đề nghị từ phía công ty Facebook Ireland Ltd cũng như mọi lập luận phía này đưa ra trong đơn kiến nghị.
Như vậy, tòa không chấp nhận việc ngăn chặn cuộc điều tra của Văn phòng Ủy viên phụ trách bảo vệ dữ liệu (DPC) Ireland nhằm vào Facebook.
Facebook đặt trụ sở của các chi nhánh châu Âu ở thủ đô Dublin của Ireland vì vậy DPC là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chính với mọi hoạt động của Facebook ở EU.
DPC bắt đầu điều tra Facebook từ mùa Hè năm 2020 sau khi một tòa án cấp cao của EU ra quyết định chấm dứt hiệu lực đối với một thỏa thuận dữ liệu trực tuyến quan trọng giữa EU và Mỹ.
Thông báo của thẩm phán Tòa án Tối cao Ireland nêu rõ DPC quyết định điều tra để đánh giá liệu các hoạt động chuyển dữ liệu liên quan các cá nhân tại EU/khu vực kinh tế EU của Facebook Ireland Ltd có hợp pháp hay không và liệu DPC có cần phải can thiệp hay không.
Trước đó, hồi tháng 7/2020, một tòa án cấp cao của EU ra quyết định tạm dừng hiệu lực của thỏa thuận dữ liệu trực tuyến EU-Mỹ sau khi xem xét đơn kiện của nhà hoạt động Max Schrems.
[Đức tạm cấm Facebook thu thập dữ liệu người dùng WhatsApp]
Nhà hoạt động này cũng đề nghị giới chức quản lý ở Ireland tìm cách ngăn chặn việc chuyển dữ liệu xuyên Đại Tây Dương sau phán quyết của Tòa án châu Âu.
Trong khi đó, nhiều năm qua, DPC cũng đã vài lần tìm cách ngăn chặn hoạt động này do những quan ngại về quyền riêng tư.
Về phần mình, Facebook phản đối cuộc điều tra của DPC, cho rằng đây là hành động không hợp pháp. Hiện công ty Mỹ chưa có phản hồi chính thức về thông tin mới.
EU và Mỹ đang hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận cho phép duy trì trao đổi dữ liệu riêng xuyên Đại Tây Dương, thay thế thỏa thuận cũ đã bị tòa án EU bác bỏ.
Các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Google, Microsoft và hàng nghìn công ty khác cũng mong chờ hai bên sớm đạt thỏa thuận để tránh rào cản pháp lý làm gián đoạn hoạt động trao đổi dữ liệu sau khi châu Âu áp dụng quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2018.
Quy định mới, gọi tắt là GDPR, trao cho người dùng nhiều quyền quyết định hơn với những dữ liệu cá nhân trong khi các cơ quan quản lý như DPC cũng có thêm thẩm quyền để xử lý các công ty vi phạm, với mức phạt có thể lên tới tối đa 4% doanh thu toàn cầu mà công ty đó thu được trong một năm./.