Giá lương thực thế giới tăng trong tháng Bảy, trong đó đi đầu là dầu thực vật, thực phẩm chế biến từ sữa và đường, giúp kéo dài sự phục hồi từ tháng trước sau sụt giảm mạnh do dịch COVID-19.
Đây là đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 6/8.
Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO, thước đo đánh giá biến động của rổ các mặt hàng chủ chốt bao gồm ngũ cốc, dầu hạt, các sản phẩm từ sữa, thịt và đường, đã lên tới 94,2 điểm trong tháng Bảy so với mức 93,1 điểm của tháng Sáu.
FAO cho biết tương tự với tháng Sáu, giá dầu thực vật, thực phẩm chế biến từ sữa và đường tiếp tục tăng cao, trong khi giá thịt giảm, đáng chú ý chỉ số giá dầu thực vật của FAO tăng 7,6% trong tháng Bảy lên mức cao nhất trong 5 tháng qua.
[Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng đói kém gia tăng trên toàn thế giới]
Giá bơ sữa tăng 3,5% và tăng trở lại trên mức trước dịch bệnh COVID-19, trong khi giá đường trung bình cũng tăng 1,4%.
Trái lại, chỉ số giá thịt của FAO giảm 1,8% và so với cùng thời điểm này năm ngoái đã giảm 9,2% do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tiếp tục thấp hơn khả năng cung cấp bất chấp sự đứt gãy chuỗi giết mổ do dịch bệnh.
Chỉ số ngũ cốc gần như không đổi với sự tăng mạnh đối với giá ngô và lúa miến liên quan đến việc Trung Quốc tăng cường thu mua của các nhà cung cấp Mỹ, nhưng giá gạo đi xuống và giá lúa mì ổn định.
Hồi tháng trước, FAO đã điều chỉnh nâng dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2020 khoảng 9,3 triệu tấn lên 2,79 tỷ tấn./.